Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động và đạt được kết quả tích cực. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trúc An Village (Phúc Yên) luôn chú trọng việc giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Ảnh: Dương Chung
Là ngành kinh tế quan trọng, những năm gần đây, du lịch Vĩnh Phúc đã phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Du lịch càng phát triển, nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách ngày càng cao. Đặc biệt, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách.
Thực tế cho thấy, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch đã mang lại “lợi ích kép” cho người dân. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, miền núi phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao có thể kể đến là mô hình du lịch trải nghiệm Trúc An Village ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên). Từ khi mô hình đi vào hoạt động (năm 2022) đến nay, Trúc An Village đã đón hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế.
Với mong muốn mang lại cho du khách không gian yên bình và những trải nghiệm đậm bản sắc dân tộc, Trúc An Village đã tái hiện lại các lễ hội, phong tục của đồng bào dân tộc Sán Dìu như Tết Cả (Tết Nguyên đán), Tết Thanh minh (tháng 3), Tết Đoan Ngọ (tháng 5), Tết Rằm (tháng 7), Tết Cơm mới (tháng 10), Tết Đông chí (tháng 11)…
Đồng bào dân tộc Sán Dìu với trang phục truyền thống tại Lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo). Ảnh: Dương Chung
Bên cạnh đó, Trúc An Village luôn chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Hầu hết nhân viên tại đây đều là người dân tộc Sán Dìu và luôn mặc các bộ trang phục truyền thống của đồng bào để đón khách. Đặc biệt, những làn điệu dân ca Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu thường xuyên được trình diễn tại đây, mang lại cho du khách những giây phút thư giãn và cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, tình cảm của người Sán Dìu.
Hiện nay, Trúc An Village đang xây dựng bảo tàng tư nhân để lưu giữ những hiện vật và những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Phát triển du lịch không chỉ giúp đồng bào dân tộc Sán Dìu bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài thành phố Phúc Yên, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo vừa giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vừa có thể phát triển du lịch. Điển hình như xã Quang Yên (Sông Lô) khuyến khích các câu lạc bộ Sình ca, múa dân gian duy trì hoạt động; đầu tư xây dựng homestay để đón du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; phối hợp với các ngành chức năng phục dựng Lễ hội Xuống đồng vào tháng Giêng hằng năm…
Xã Đạo Trù (Tam Đảo) hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân ở thôn Tân Phú chuyển đổi ngành nghề truyền thống sang phát triển du lịch; phục dựng các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) tích cực triển khai kế hoạch phát triển du lịch homestay và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu nhằm khai thác tối đa lợi thế của khu di tích Thanh Lanh, Ngọc Bội, hồ Thanh Lanh và Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo…
Việc bảo tồn, phát huy những yếu tố mang tính bản sắc, đặc trưng của văn hóa dân tộc góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch và tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào DTTS.
Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có hơn 55.000 người DTTS, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh sinh sống tập trung ở khu vực ven dãy núi Tam Đảo và núi Sáng của 5 huyện, thành phố gồm Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên. Mỗi DTTS đều có những nét văn hóa riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, thể hiện qua tiếng nói, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội...
Trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều loại hình nghệ thuật mới, để các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS không bị mai một, thời gian tới, các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc; thúc đẩy phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS. Qua đó góp phần gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác tiềm năng, lợi thế, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Minh Nguyệt