Trước thực trạng đầu ra sản phẩm bấp bênh, chi phí vật tư tăng cao và nỗi lo dịch bệnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Chăn nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” nhằm gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Năm 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình bà Hà Thị Thùy Linh, xã Lãng Công (Sông Lô) đã tham gia mô hình “Chăn nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Thực hiện mô hình, gia đình được tập huấn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi; hỗ trợ 50% thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP.
Lãnh đạo Trung tâm khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình “Chăn nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Lãng Công.
Bà Linh cho biết: Năm 2023, có thời điểm gia đình nuôi hơn 300 con bò thịt 3B. Tuy nhiên, do đầu ra bấp bênh, nỗi lo dịch bệnh nên gia đình đã giảm đàn, hiện chỉ nuôi hơn 60 con.
Tháng 7/2024, thực hiện mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, được cán bộ kỹ thuật của trung tâm hướng dẫn quy trình chăn nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP; cách phối trộn thức ăn, vỗ béo, phòng bệnh và xử lý chất thải trong chăn nuôi, gia đình sẽ phát triển đàn bò trong thời gian tới.
Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, nhất là với giống bò có nhu cầu tiêu thụ lượng thức ăn lớn như bò 3B, ngoài tận dụng phế phẩm nông nghiệp của nông dân trong và ngoài xã, bà Linh đã thuê đất, trồng cỏ, đồng thời xây dựng kho ủ cỏ. Ngoài ra, bà còn áp dụng phương pháp nuôi bò trên nền đệm lót sinh học.
Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm được công sức lao động trong việc cọ rửa mà còn xử lý tốt mùi hôi chuồng trại, hạn chế dịch bệnh ở bò; đồng thời chất thải từ chuồng nuôi được xử lý bằng chế phẩm vi sinh trở thành nguồn phân bón cho đồng cỏ, vườn cây ăn quả, tạo thành mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị.
Nghề nuôi bò thịt du nhập về xã Lãng Công mấy năm gần đây. Trước đó, người dân chủ yếu nuôi bò sinh sản nhập về từ Úc, tuy nhiên, do môi trường không phù hợp nên tỷ lệ bò cái đậu thai thấp, dần dần người dân chuyển sang nuôi bò thịt.
Hiện trên địa bàn xã Lãng Công có 4 hộ chăn nuôi bò thịt được cấp chứng nhận VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mỗi mô hình đang nuôi từ 15 -20 con, cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm.
Qua phát triển mô hình đã thay đổi tư duy, thói quen từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật kết hợp với xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình “Chăn nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” của gia đình bà Hà Thị Thùy Linh, xã Lãng Công cho hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt chứng nhận VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 150 con bò thịt tại 6 hộ trên địa bàn 2 xã Đồng Ích (Lập Thạch) và Lãng Công (Sông Lô).
Để triển khai hiệu quả mô hình, cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã đến các hộ khảo sát, đo khối lượng, xác định độ tuổi bò, giới tính, giống. Phân loại và cùng các hộ chăn nuôi xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò thịt theo quy trình VietGAHP; chủ động phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò, giúp đàn bò tăng trọng nhanh, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thịt ngon và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Mỗi con bò 3B nhập về khoảng 2 tháng tuổi có giá khoảng 15 triệu đồng, nuôi trong vòng 12 tháng có thể đạt hơn 5 tạ/con. Giá dao động từ 80 - 90 nghìn đồng/kg hơi, trừ chi phí mỗi con lãi từ 13 - 15 triệu đồng.
Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi khá phát triển. Những năm qua, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, tỷ lệ bò lai toàn tỉnh đạt hơn 90%, đàn bò cái lai sinh sản được lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt có năng suất, chất lượng cao như Brahman, Droughtmaster, Red Agus, BBB… thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, góp phần tăng trọng lượng bò thịt xuất chuồng.
Trong năm 2023, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng 3,85% so cùng kỳ năm 2022, đạt 100,8% so với kế hoạch đề ra. Năm 2024, giá trị sản xuất chăn nuôi dự kiến tăng 5% so với năm 2023.
Bài, ảnh: Mai Liên