Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đảo (Agribank Tam Đảo) luôn bám sát cơ sở, tìm kiếm khách hàng vận động gửi tiết kiệm; tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Được vay 3,5 tỷ đồng từ Agribank Tam Đảo, gia đình ông Nguyễn Văn Thuyên, xã Tam Quan đầu tư chăn nuôi gà, thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
Với định hướng “Tập trung đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khai thác tốt, đầu tư trọng điểm có lựa chọn vào các phân khúc thị trường, các đối tượng khách hàng, không để mất phân khúc thị trường”, Agribank Tam Đảo đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược hoạt động của Agribank Việt Nam và mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Tam Đảo, tích cực tuyên truyền mở rộng các loại hình dịch vụ tiện ích trong dịch vụ thanh toán, ngân quỹ.
Ứng dụng chương trình IPCAS (tự động hóa toàn ngành); dịch vụ chuyển tiền điện tử trong nước, mua bán ngoại tệ, chi trả kiều hối, mở thẻ ATM; chính sách ưu đãi với khách hàng tiềm năng, khách hàng gắn bó lâu bền với đơn vị.
Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức và đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ tín dụng, các giao dịch viên; phân công cán bộ tín dụng có năng lực, uy tín bám sát địa bàn, tìm kiếm khách hàng có tiềm năng để huy động vốn. Coi trọng công tác thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân cho vay vốn, giúp khách hàng sử dụng đúng mục đích và hiệu quả vốn trong đầu tư.
Tích cực đổi mới công tác quản lý, bố trí, sắp xếp bộ máy tổ chức các trưởng, phó phòng trẻ tuổi, có năng lực, uy tín gắn với nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Tập trung cho vay chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, cải tạo đồng khó, chiêm trũng nuôi trồng thủy sản; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; khôi phục làng nghề truyền thống...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, đến hết tháng 10/2024, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt hơn 1.330 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 12%.
Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 10/2024 đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Toàn huyện hiện có hơn 3.200 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ 1.270 tỷ đồng, trong đó 98% khách hàng là nông dân.
Từ nguồn vốn trên đã giúp hàng nghìn lượt hộ vay mới có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, mua sắm tư liệu sản xuất, đầu tư con giống, cây trồng có chất lượng phát triển kinh tế hiệu quả, giải quyết việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động ở khắp các địa phương trong huyện như thị trấn Đại Đình, Tam Đảo; xã Hồ Sơn, Bồ Lý, Minh Quang, Yên Dương, Đạo Trù… thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng nông thôn mới.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương, xã Hồ Sơn vay vốn của Agribank Tam Đảo trồng nho Hạ Đen, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Chúng tôi cùng cán bộ tín dụng trẻ Trần Thị Ngọc đến thăm trang trại nuôi gà đẻ trên khu đồi hơn 1 ha của anh Nguyễn Văn Thuyên, 46 tuổi, xóm Quan Đình, làng Mấu, xã Tam Quan, hiện nuôi gần 10 nghìn gà đẻ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Thuyên cho biết: Nhờ được vay vốn kịp thời và dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ Agribank Tam Đảo, gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 7.000 m2 với 2 chuồng nuôi đảm bảo “đông ấm, hè mát”, đàn gà phát triển tốt. 3 năm gần đây, dù bị dịch bệnh gây thiệt hại nhẹ nhưng thu lãi từ bán gà vẫn đạt 300 - 350 triệu đồng/năm, đủ trả lãi và công cho 4 lao động.
Bà Nguyễn Thị Hương, thôn Đồng Sinh, xã Hồ Sơn được vay 300 triệu đồng của Agribank Tam Đảo đầu tư trồng hơn 1 ha nho Hạ Đen và dưa lê Hàn Quốc, giải quyết việc làm cho 4 - 6 lao động, mỗi năm thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng…
Ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc chi nhánh Agribank Tam Đảo cho biết: Song song với huy động và cho vay vốn, chi nhánh coi trọng công tác thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân vốn vay; cập nhật mức lãi suất để điều chỉnh kịp thời khi huy động và lãi suất cho vay theo từng thời điểm hợp lý.
Vì vậy, 100% các dự án được giải ngân kịp thời, đúng người, đúng địa chỉ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù mấy năm vừa qua chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng số dư nợ quá hạn, nợ xấu giảm dưới mức cho phép, đảm bảo tín dụng tăng trưởng an toàn, bền vững.
Đến nay, dư nợ nhóm 2 chỉ chiếm 0,4%/tổng dư nợ; nợ xấu giảm còn 0,32%. Hiện chi nhánh tiếp tục chỉ đạo thu hồi vốn và lãi quá hạn số nợ xấu, nợ ngoại bảng; quyết tâm không để phát sinh nợ quá hạn bao gồm gốc và lãi, đặc biệt không để nợ xấu phát sinh. Đồng thời phát triển mở rộng các dịch vụ tiện ích; tiết kiệm chi tiêu hành chính, xây dựng hình ảnh ngân hàng văn hóa, hiện đại trong thời kỳ cạnh tranh lành mạnh.
Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2024, chi nhánh phấn đấu nguồn vốn huy động tăng từ 10 - 15% so với năm 2023. Tổng dư nợ cho vay tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ cho vay phục vụ khu vực nông nghiệp và nông thôn duy trì tỷ trọng 98% cơ cấu vốn; đảm bảo có lãi và nộp đầy đủ các khoản thuế nghĩa vụ cho Nhà nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng KT - XH và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bài, ảnh: Xuân Hùng