Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, năm 2024 tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn, các nghệ nhân, diễn viên, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tham gia với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần hoàn thiện bức tranh văn hóa rực rỡ đa sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, năm 2024 do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức diễn ra trong 3 ngày (từ 2 - 4/11). Ngày hội có sự tham gia của 8 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Lạng Sơn.
Thực hành nghi lễ Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI.
Trong khuôn khổ ngày hội diễn ra nhiều hoạt động VH-TT&DL đặc sắc, tiêu biểu như chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Đông Bắc - Tự hào và tỏa sáng”; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống…
Đoàn Vĩnh Phúc đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè, du khách thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc. Trong đó, nổi bật là không gian trưng bày các biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục, tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, các bài thuốc dân gian, các mặt hàng nông sản đặc trưng của đồng bào các DTTS trong tỉnh; các hình ảnh, tài liệu giới thiệu về du lịch, văn hóa các DTTS; trưng bày, giới thiệu các món ăn truyền thống của dân tộc Sán Dìu như bánh chưng gù, lươn nấu thân chuối, thịt thính, thịt chua, nhộng ong, xôi đen, xôi trứng kiến…
Gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Du khách đến tham quan khu trưng bày được cán bộ Sở VH-TT&DL, các nghệ nhân, bà con dân tộc Sán Dìu trực tiếp giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, cách chế biến, thưởng thức các món ăn của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Anh Bùi Đức Việt (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đi tham quan hầu hết các gian hàng trưng bày tư liệu, hiện vật văn hóa của các tỉnh và rất ấn tượng với gian hàng của tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi được các nghệ nhân giới thiệu chi tiết về những phong tục, tập quán, các nghi lễ truyền thống, văn hóa ẩm thực… của các dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Dìu.
Tôi cùng người bạn đồng hành được thưởng thức món xôi đen, bánh chưng gù và món ăn làm từ nhộng ong. Hương vị các món ăn rất thơm ngon, độc đáo, lạ miệng. Tôi dự định sẽ thực hiện chuyến du lịch đến Vĩnh Phúc trong thời gian tới để có cơ hội trải nghiệm, khám phá nhiều hơn những nét văn hóa truyền thống của các DTTS nơi đây”.
Bà con dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo giới thiệu tới du khách ẩm thực truyền thống của dân tộc.
Trong khuôn khổ ngày hội, các nghệ nhân, thầy cúng đã tham gia trình diễn trích đoạn Lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Dìu. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng, thiêng liêng, đánh dấu sự trưởng thành và khẳng định vai trò của người đàn ông trong cộng đồng. Nghi lễ cũng là cách để người Sán Dìu kết nối với tổ tiên và các vị thần linh, xin sự bảo trợ và hướng dẫn trong cuộc sống.
Trong không gian thực hành nghi lễ, thầy cúng mặc trang phục truyền thống dành riêng cho thầy cúng bước lên chủ trì các nghi lễ. Các loại tranh thờ được sắp xếp theo đúng trình tự, lễ vật gồm lợn, gà, rượu… được chuẩn bị đầy đủ.
Các thầy cúng lần lượt tiến hành các nghi lễ như rước người được cấp sắc đến nơi diễn ra nghi lễ; tẩy uế cho người được cấp sắc bằng nước thiêng; trình diện trước tổ tiên và các vị thần linh xin phép được thực hiện nghi lễ; truyền dạy các nghi thức, luật lệ và trách nhiệm của người trưởng thành cho người được cấp sắc; làm phép và cấp giấy chứng nhận trưởng thành cho người được cấp sắc. Âm thanh từ các nhạc cụ như trống, chiêng, kèn góp phần tạo nên không khí trang nghiêm và linh thiêng của nghi lễ.
Một trong những nội dung đặc sắc của đoàn Vĩnh Phúc trong ngày hội là chương trình nghệ thuật tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng. Những chàng trai, cô gái dân tộc Sán Dìu trong bộ trang phục truyền thống hát vang làn điệu Soọng cô. Những lời ca, tiếng hát mang âm hưởng vui tươi, dí dỏm và cũng rất đời thường, mộc mạc.
Đồng bào dân tộc Cao Lan hát điệu Sình ca và múa bài “Cùng nhau lên nương”. Các động tác trong điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển, mô phỏng việc làm nương như cuốc đất, gieo hạt, cấy lúa…
Màn độc tấu kèn Dao “Âm vang núi rừng” và giai điệu bài hát “Em đi tìm anh” của đồng bào dân tộc Dao cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn tham gia các hoạt động trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; Hội thảo khoa học với chủ đề “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn phát triển”.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bùi Thị Thu Quyên cho biết: “Chương trình tham gia ngày hội của Đoàn nghệ thuật Vĩnh Phúc được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Nội dung chương trình bám sát chủ đề của ngày hội trên cơ sở chọn lọc các nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng các DTTS trong tỉnh. Các hoạt động có hình thức phong phú, tính nghệ thuật cao và có nhiều nét mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Ngày hội là dịp để đồng bào các DTTS gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần lan tỏa nét đẹp vùng đất và con người Vĩnh Phúc đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế; tạo cơ hội cho Vĩnh Phúc khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Bạch Nga