Xã Sơn Đông (Lập Thạch) ngoài đình làng Gốm được nhà Viễn Đông Bác cổ (Pháp) công nhận là kiệt tác lịch sử - Văn hóa từ năm 1938 (nay không còn như cũ), hiện có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia được xếp hạng từ năm 1992: Đền thờ Nhà giáo - Quan Đại thần Đỗ Khắc Chung; đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn và Vĩnh Phúc tự (chùa Am). Cả 3 di tích đều có giá trị to lớn về nhiều mặt, đặc biệt là giá trị giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; triết lý sống biết đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân… Tiếc rằng, do điều kiện khó khăn về giao thông, kinh phí đầu tư tôn tạo chưa đúng mức, công tác xã hội hóa đầu tư chưa được chú trọng, nên chưa nhiều người qua lại, hương khói, chiêm bái, giá trị của các di tích chưa được phát huy triệt để.
Đỗ Khắc Chung (1247 - 1330), quê tại Giáp Sơn, Kinh Môn, Hải Dương. Trước khi ra làm quan cho triều Trần, ông có khoảng gần 10 năm vừa dạy học vừa dùi mài kinh sử, tự học tại làng Gốm (tên làng Quan Tử thời cổ). Người thầy giáo trẻ đã gieo vào lòng trẻ em trong làng và cả vùng đất xung quanh ánh sáng của trí tuệ, lòng ham muốn học hỏi, thắp lên những ước mơ, hoài bão lớn và ý thức trách nhiệm của người quân tử trước thời cuộc… Trong số các học trò, có những người đã tiếp tục sự nghiệp của ông, trở thành những lớp nhà giáo giỏi kế tiếp… Để hơn 150 năm sau, trong làng xuất hiện vị Tiến sĩ Hán học đầu tiên và tiếp sau khoảng gần 100 năm thời Lê - Mạc trong làng có đến 13 vị đỗ Tiến sĩ, đó là chưa kể hàng trăm Cử nhân, hàng ngàn Tú tài… Đặc biệt, có gia đình họ Nguyễn 3 con trai đều đỗ Tiến sĩ; có dòng họ Lê 3 chú cháu ruột cùng đỗ Tiến sĩ. Trong số 13 vị Tiến sĩ có tới 10 vị ra làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông. Nhớ công ơn khai sáng, từ gần 700 năm nay, tất cả người dân làng Gốm, từ người đỗ Tiến sĩ đến dân thường đều kính cẩn tôn Đỗ Khắc Chung là Thành hoàng của làng, là người Thầy vô cùng tôn kính của muôn đời.
Đền thờ Nhà giáo - Quan Đại thần Đỗ Khắc Chung ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông. Ảnh Khánh Linh
Từ giữa thế kỷ XV, làng Gốm trở thành làng nổi tiếng văn hiến, khoa bảng. Làng lúc nào cũng có hàng trăm vị đỗ đạt từ Tiểu khoa (Tú tài) đến Đại khoa (Tiến sĩ) được Triều đình bổ đi làm “Quan”. Chỉ có điều là từ khi có Luật Hồng Đức (1460 - 1497), người được bổ dụng không được làm “Quan” ở quê nhà và cũng không được mang theo vợ con đến nhiệm sở. Thành ra ở làng chỉ còn lại toàn con cháu nhà “Quan”, ra đến ngõ là gặp con nhà “Quan”… Tiếng lành đồn xa, chuyện đến tai vua Lê Thánh Tông, ông vua nổi tiếng anh minh cho đây là minh chứng của thời thịnh trị bèn truyền ban cho làng tên mới là Quan Tử (con quan)!
Trở lại với Đỗ Khắc Chung. Trước họa xâm lăng của quân Nguyên - Mông lần thứ hai, triều đình cho bố cáo tìm người tài trong cả nước tham gia đánh giặc. Đỗ Khắc Chung ra ứng thí và được tuyển dụng làm một chức quan nhỏ. Trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Ông có công lớn trong việc tham mưu cho vua Trần Nhân Tông hoạch định kế sách đánh giặc. Ông là người thường xuyên thay mặt triều đình trực tiếp sang doanh trại giặc đàm phán, vừa để dò la tin tức, đánh giá đối thủ, vừa để hòa hoãn ngăn bước tiến vũ bão của giặc, giúp triều đình có thời gian chuẩn bị lực lượng và kế sách phù hợp. Gặp ông nhiều lần, tướng nhà Nguyên Ô Mã Nhi phải ngửa mặt lên trời mà than: “Nước Nam có những người tài thế này thì không dễ gì lấy được!”. Sau chiến thắng quân Nguyên, ông được tuyên dương công trạng, đổi Quốc tính Trần Khắc Chung, là quan Đại thần trong triều suốt 40 năm. Vốn đã từng dạy học, ông cũng được vua Trần Anh Tông giao dạy dỗ Thái tử (sau này là vua Trần Minh Tông). Ông còn có công lớn là cứu Huyền Trân công chúa ra khỏi đất Chiêm Thành.
Đại Việt sử ký viết về Đỗ Khắc Chung rất dài và Sử gia phong kiến cho rằng không phải lúc nào ông cũng đúng! Nhưng dưới góc nhìn hiện đại: Ông làm quan Đại thần trong triều Trần suốt 40 năm, trong đó hai lần giữ chức Đại Hành khiển (như Thủ tướng ngày nay), lại là thầy của vua, đủ thấy công lao to lớn của ông đến mức nào! Đỗ Khắc Chung được lập đền thờ ở nhiều nơi: tại quê hương ông, xã Giáp Sơn (vùng đất này nay thuộc thành phố Hải Phòng); ở Đông Triều (Quảng Ninh), nơi vua Trần cấp đất cho ông làm điền trang; tại đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng; Đỗ Khắc Chung cũng được phối thờ cùng với các Văn quan, Danh tướng nổi tiếng khác…
Tương truyền, làng Gốm lập đền thờ Đỗ Khắc Chung từ khi ông còn sống. Đền tọa lạc ngay trên mảnh đất ông dựng nhà dạy học. Mảnh đất hình một bộ bút nghiên cổ. Ngôi đền có đầy đủ các hạng mục, kiểu dáng như ngày nay được dân làng phục dựng, tôn tạo vào thời Lê Trung hưng (năm Cảnh Trị thứ 3 - 1665). Hiện đền thờ Đỗ Khắc Chung còn các hiện vật quý đã trên 350 năm tuổi, đó là: bức hoành phi trước án thờ ghi bốn chữ Hán “Vạn đại chiêm ngưỡng”(ngàn đời noi theo); bức phù điêu bằng gỗ tạc một con rồng lớn, xung quanh là hơn chục con rồng nhỏ chầu vào, gọi là "Phụ Long giáo tử” (cha rồng dạy con rồng); nóc nhà thờ còn có hình sao Khuê (sao tượng trưng Văn chương) lấp lánh. Trong đền cũng có ban phối thờ các Tiến sĩ của làng với bia đá khắc tên từng người…
Qua lối kiến trúc rất riêng của ngôi đền chứng tỏ, người dân làng Gốm thờ phụng, tôn vinh Đỗ Khắc Chung là Thành hoàng làng, là Phúc thần của làng, nhưng không phải chỉ bởi Ngài là người có công lớn với nước, là mệnh quan triều đình, mà Ngài còn là người Thầy, người khai sáng một vùng đất!
Hiện đền thờ Đỗ Khắc Chung còn lưu giữ được 8 đạo Sắc phong của các triều đại phong kiến. Đạo lâu nhất là năm 1741 (đời Lê Cảnh Hưng). Đạo gần nhất là năm 1924 (đời vua Khải Định). Nội dung các đạo Sắc đều ca ngợi tài thao lược, công huân tột đỉnh của Ngài với đất nước!
Từ xa xưa đến nay, đền thờ Đỗ Khắc Chung ở xã Sơn Đông là địa chỉ linh thiêng, hương khói không lúc nào dứt. Nhiều gia đình trong vùng hàng năm thường có lễ dâng lên Ngài, xin Ngài nhận con cháu mình làm con nuôi. Mong được Ngài che chở, dạy cho học hành sáng láng! Trước mỗi mùa thi cử, nhiều sĩ tử gần xa đến thắp nén tâm hương, cầu mong Ngài ban cho đỗ đạt cao. Phong tục đẹp đó còn tồn tại mãi đến bây giờ.
Người dân làng Quan Tử lấy ngày mùng bốn tháng Mười (âm lịch) hàng năm làm ngày lễ hội nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức Thành hoàng. Đây cũng là lúc vụ mùa đã được thu hoạch. Người ta kính cẩn dâng lên Đức Thành hoàng những mâm bánh chưng, bánh dày ngon nhất được làm từ những hạt gạo nếp cái hoa vàng, sản vật đặc trưng của làng quê.
Đền thờ Đỗ Khắc Chung ở xã Sơn Đông là di tích quý, được công nhận là di tích lịch sử - Văn hoá quốc gia từ năm 1992, cần được giữ gìn, tôn tạo nâng cấp để phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư, trọng đạo…
Để phát huy hết giá trị của di tích, thiết nghĩ, cần nâng cấp tổ chức và quy mô Lễ hội đền Đỗ Khắc Chung, nhằm quảng bá rộng rãi công lao to lớn của Ngài với quê hương, đất nước. Nghiên cứu đổi tên 2 trường tiểu học và THCS xã Sơn Đông thành trường tiểu học và THCS Đỗ Khắc Chung, nhằm thiết thực tôn vinh công lao khai sáng vùng đất của Ngài, giáo dục tinh thần hiếu học, tôn sư, trọng đạo cho học sinh. Nhà nước cũng cần có dự án đầu tư tổng thể để bảo tồn, nâng cấp di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đền thờ Đỗ Khắc Chung...
Nhà giáo Ưu tú Hoàng Trường Kỳ