Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nền giáo dục Việt Nam với sự đổi mới toàn diện ở các môn học. Trong đó, môn Ngữ văn có sự đổi mới nhiều nhất, đặt ra yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá; đồng thời học sinh cũng cần thay đổi cách học để đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất.
Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh, từ đó hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường) tổ chức cho học sinh thảo luận trong giờ học Ngữ văn.
Chương trình môn Ngữ văn được xây dựng, đổi mới theo mục tiêu chung đó, lấy việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói, nghe) và khả năng cảm thụ văn học làm trục chính xuyên suốt các cấp học.
Chương trình không quy định chi tiết mà chỉ đưa ra các yêu cầu cần đạt cho từng lớp học; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc. Đây là hướng mở, giúp giáo viên linh hoạt thiết kế bài học, đồng thời khuyến khích học sinh khám phá kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau.
Đặc biệt, tính mở về ngữ liệu trong sách giáo khoa đưa đến ngữ liệu mở ở đề kiểm tra, đề thi, đây là ưu điểm có tính cách mạng nhất của chương trình Ngữ văn mới để chấm dứt tình trạng học văn mẫu, học tủ, thay vào đó là học hiểu, phát triển khả năng tư duy, cảm nhận, sáng tạo của học sinh. Sự thay đổi về mục tiêu, nội dung chương trình đặt ra yêu cầu phải đổi mới cách dạy và học môn Ngữ văn.
Bước sang năm thứ 5 triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên môn Ngữ văn tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức các hoạt động giáo dục giúp học sinh phát triển khả năng tư duy, sự sáng tạo; tích hợp kiến thức môn Ngữ văn với các môn học khác giúp học sinh thấy được mối liên hệ giữa các lĩnh vực kiến thức, từ đó nâng cao khả năng nhận thức và hiểu biết tổng quát, mở rộng. Giáo viên còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy giúp học sinh tiếp cận học liệu trực quan sinh động, dễ dàng tìm hiểu và khắc sâu kiến thức.
Cùng với đổi mới giảng dạy, giáo viên còn đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh; trong đó xây dựng đề kiểm tra với ngữ liệu mở, không chỉ kiểm tra kiến thức văn học mà còn đánh giá khả năng phân tích, cảm thụ và sáng tạo của học sinh; áp dụng nhiều hình thức đánh giá khác như thuyết trình, làm đề án nhóm… giúp học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình.
Cô Hà Thị Liên, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường) cho biết: “Tôi luôn bám sát mục tiêu của chương trình môn Ngữ văn mới; đồng thời nắm rõ năng lực của học sinh để có phương pháp dạy học đổi mới nhưng phù hợp với các em.
Quá trình dạy học, tôi tổ chức nhiều hoạt động và giao nhiệm vụ học tập tạo cơ hội để học sinh phát huy tính tích cực, tư duy sáng tạo; gắn bài học vào thực tế, hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, tích lũy vốn sống để phục vụ cho việc học và viết văn nghị luận xã hội.
Khi xây dựng đề kiểm tra, tôi khai thác ngữ liệu từ nhiều nguồn tin cậy như sách của các nhà xuất bản, tác phẩm báo chí, các nguồn học liệu trên internet...; ngữ liệu đảm bảo các tiêu chí như tiêu biểu về thể loại, nội dung mang các giá trị thẩm mỹ, nhận thức, giáo dục... để đánh giá toàn diện học sinh. Với chương trình Ngữ văn mới, thay vì dạy “cái” cụ thể, tôi dạy “cách” để học sinh chủ động, tự tin với mọi dạng đề thi và các ngữ liệu văn học chưa từng gặp".
Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Tam Hợp (Bình Xuyên) hướng dẫn học sinh làm bài tập nhóm.
Cô Nguyễn Thị Huệ, Trường THCS Tam Hợp (Bình Xuyên) chia sẻ: “Tôi hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp học để học sinh chủ động học tập, tiếp cận kiến thức. Khi xây dựng đề kiểm tra, đánh giá học sinh, tôi lựa chọn ngữ liệu phù hợp, mang tính thực tiễn, xã hội, gần gũi để tạo sự hứng thú cho học sinh và phát huy được phương pháp, kỹ năng đã hướng dẫn các em. Chính việc đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Về phía học sinh, môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 mang đến nhiều trải nghiệm học tập thú vị. Học sinh trở thành trung tâm của hoạt động giáo dục, không chỉ tiếp nhận mà con chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức. Do đó, các em tích cực thay đổi cách học, rèn luyện thói quen tự học, cảm nhận và hiểu vấn đề văn học, hình thành tư duy nghệ thuật, khả năng cảm thụ và kỹ năng ngôn ngữ, sau đó, vận dụng vào giải quyết bài tập, viết những bài văn mang cảm xúc, phong cách riêng.
Em Tô Kim Huệ, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: “Em luôn lắng nghe cô giáo giảng bài, tích cực tham gia các hoạt động học tập và tăng cường trao đổi nhóm. Em cũng tham khảo nhiều nguồn tài liệu Ngữ văn chính thống để bổ trợ cho việc học.
Đối với các kỳ kiểm tra, do ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa nên em thay đổi phương pháp học và cách ôn tập. Em dần hình thành thói quen ghi nhớ đặc trưng thể loại, hiểu các dạng bài tương ứng với mỗi thể loại và luyện tập theo dạng bài; không học thuộc lòng mà học hiểu, học kỹ năng giải quyết vấn đề, học cảm thụ văn học… Nhờ đó, môn Ngữ văn của em luôn đạt điểm cao”.
Đổi mới dạy và học môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Chương trình không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất mà còn góp phần xây dựng một thế hệ học sinh yêu thích văn học, biết cảm thụ cái đẹp và có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo.
Bài, ảnh: Minh Hường