Đảm nhận bữa ăn bán trú cho trẻ, chăm sóc sức khỏe học đường, làm công tác thư viện… là công việc của nhân viên nuôi dưỡng bán trú, y tế, thư viện trong trường học. Họ là những người đứng sau bục giảng, thầm lặng góp sức xây dựng môi trường sư phạm an toàn và thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
“Người gieo mầm văn hóa đọc” là tên gọi thân thương mà lãnh đạo, đồng nghiệp dành cho cô Đàm Thị Hằng, nhân viên thư viện Trường Tiểu học Trưng Nhị (Phúc Yên). 24 năm công tác trong ngành GDĐT, cô Hằng luôn phát huy tốt năng lực, tham mưu, đề xuất lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.
Cô Đàm Thị Hằng khuyến khích học sinh hình thành thói quen đọc sách.
Những năm làm việc tại Trường Tiểu học Trưng Nhị, cô Hằng góp phần không nhỏ trong việc nâng cấp thư viện truyền thống, xây dựng thư viện ngoài trời phục vụ công tác giáo dục của nhà trường; nổi bật là công trình "Thư viện xanh" với không gian đọc sách mở thân thiện, hấp dẫn, trở thành “trung tâm văn hóa và học tập” của học sinh, giáo viên.
Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, cô Hằng chủ động ứng dụng công nghệ số, phần mềm của Bộ GDĐT để sắp xếp, quản lý sách, tài liệu tại thư viện; tích cực hỗ trợ giáo viên, học sinh tìm kiếm những cuốn sách hay, cần thiết cho việc dạy và học; thường xuyên tổ chức hoạt động kể chuyện, các cuộc thi văn học, thi vẽ tranh theo sách… nhằm khơi dậy tình yêu với sách, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.
Cô Hằng còn là người truyền cảm hứng, hướng dẫn nhiều học sinh tham gia và đạt giải cao tại cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" cấp tỉnh, cấp quốc gia… Bản thân cô đạt nhiều giải thưởng cao trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục như giải Nhì cuộc thi Cán bộ thư viện giỏi cấp quốc gia năm 2014; là cán bộ thư viện trường học duy nhất miền Bắc được nhận giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2024 của Bộ VH-TT&DL.
Cô Hằng còn tích cực lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng như hỗ trợ chuyên môn cho nhân viên thư viện nhiều trường học trên địa bàn; tham gia tổ chức Ngày Hội đọc sách do ngành Văn hóa phối hợp với ngành GDĐT tổ chức; tham gia nhiều dự án xây dựng thư viện trường học; vận động quyên góp sách tặng thư viện Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Phúc Yên, tặng học sinh nghèo vùng khó khăn...
Sau khi tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng, năm 2010, cô Bùi Thanh Tịnh đảm nhận công tác y tế tại Trường Tiểu học Phạm Công Bình (Yên Lạc). Với chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao và sự tận tâm, cô Tịnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô Bùi Thanh Tịnh sơ cứu vết thương cho học sinh.
Hằng năm, cô tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch công tác y tế học đường, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GDĐT.
Đầu năm học, cô Tịnh tập huấn cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh về công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh. Cô phối hợp với giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao sức khỏe học sinh. Mỗi khi có học sinh bị ốm, sốt hay không may bị thương tích do đùa nghịch, cô luôn có mặt kịp thời chăm sóc, xử trí, đảm bảo an toàn cho các em.
Cô Vũ Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Công Bình cho biết: “Nhà trường là một trong những cơ sở giáo dục có nhiều học sinh nhất huyện, do đó, công việc của nhân viên y tế khá vất vả, nhưng cô Tịnh luôn đảm bảo tốt công tác y tế học đường, tận tâm chăm sóc sức khỏe học sinh, góp phần giúp nhà trường tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục”.
14 năm là nhân viên tổ nuôi dưỡng bếp ăn bán trú của Trường Mầm non Văn Tiến (Yên Lạc), cô Trần Thị Thủy luôn tận tâm và trách nhiệm trong công việc, góp phần đưa nhà trường trở thành điểm sáng của huyện về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Cô Trần Thị Thủy luôn cẩn thận, tỉ mỉ khi chuẩn bị bữa ăn bán trú cho trẻ.
Hằng ngày, cô Thủy đến trường từ sớm để tiếp nhận thực phẩm, kiểm tra từng mớ rau, miếng thịt, quả trứng phải đảm bảo độ tươi ngon và an toàn. Quá trình chế biến món ăn, cô cẩn thận, tỉ mỉ, thực hiện đúng quy trình để giữ dinh dưỡng và tính thẩm mỹ của mỗi món ăn.
Cô Thủy còn cùng các thành viên trong tổ và giáo viên nhà trường trồng nhiều loại cây ăn quả, rau xanh trong khuôn viên nhà trường để trẻ được thưởng thức củ, quả, rau xanh tươi ngon, an toàn và giúp phụ huynh giảm chi phí bữa ăn bán trú của con em. Sau mỗi bữa ăn, cô Thủy luôn hỏi các cô giáo về tình hình ăn uống, cảm nhận của trẻ để có những điều chỉnh cải thiện chất lượng các bữa ăn sau...
Cô Thủy chia sẻ: “Công việc nấu ăn cho trẻ nhỏ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo, kết hợp nhiều công đoạn để làm ra những món ăn ngon, đẹp mắt và bổ dưỡng. Cùng với đó, bếp ăn phải luôn sạch sẽ, đảm bảo quy định bếp ăn một chiều. Vì vậy, mỗi món ăn đều chứa đựng tâm tư, tình cảm, sự tận tâm của chúng tôi với mong muốn giúp trẻ ăn ngon, đủ dinh dưỡng để phát triển tốt về thể chất”.
Một nền giáo dục tốt không chỉ đến từ hoạt động giảng dạy của giáo viên mà còn nhiều hoạt động khác do đội ngũ nhân viên đảm nhiệm. Dù không đứng trên bục giảng và ít được nhắc đến nhưng các nhân viên y tế, thư viện, nuôi dưỡng bán trú... trong các trường học luôn âm thầm nỗ lực góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, văn minh, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của học sinh.
Bài, ảnh: Minh Hường