Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 8,5 - 9,0%/năm. Hiện thực hóa mục tiêu trên, các cấp, ngành đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, góp phần hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vĩnh Phúc luôn kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Song, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân cùng sự vượt khó, vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, 8 tháng năm 2024, chỉ số KT - XH của tỉnh có nhiều khởi sắc, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.
Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư FDI đạt gần 500 triệu USD, vượt 24,5% kế hoạch năm; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 19,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ; chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) ghi nhận chuỗi tăng 6 tháng liên tiếp, IIP 8 tháng tăng 12,31% so với cùng kỳ; công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện tốt, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra.
Cùng sự phục hồi về các chỉ tiêu KT - XH, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, công ty lớn như Samsung Việt Nam; CNC Tech; Sumitomo; Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam…
Điều này không chỉ khẳng định, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Vĩnh Phúc và các đối tác mà còn kỳ vọng các doanh nghiệp đang hoạt động sẽ mở rộng đầu tư và các nhà đầu tư chiến lược sẽ lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư.
Giữa tháng 8, Tập đoàn CNC Tech và Công ty cổ phần Signetics (Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn tại Vĩnh Phúc. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối thu hút đầu tư giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc và tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiện, toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, tổng diện tích 3.146 ha; trong đó có 9 khu đi vào hoạt động, với 376 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD và 117 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 37.784 tỷ đồng.
8 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh có sự phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,31% so với cùng kỳ năm 2023, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là 1 trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ngoài ra, chính sách giảm thuế trước bạ ô tô có hiệu lực từ 1/8 được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng, sản lượng tiêu thụ và sản lượng sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách...
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong tỉnh, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ngày 20/9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển bền vững các khu công nghiệp, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Trước đó, tại hội nghị rà soát cập nhật kịch bản tăng trưởng và các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh: Tăng trưởng những tháng cuối năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến mục tiêu tăng trưởng cả năm, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Vì vậy, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần quyết tâm, nỗ lực cao hơn; nhận diện rõ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành, lĩnh vực, địa phương để kịp thời tháo gỡ, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh và các doanh nghiệp FDI.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp; tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, kích cầu tiêu dùng.
Cùng với đó, thu hút nguồn lực, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và các khu công nghiệp mới thành lập.
Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế… phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển KT - XH đã đề ra.
Hồng Tính