Nhằm xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM) thông minh trên nền tảng số, giúp người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào đời sống và sản xuất, kinh doanh. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị.
Trạm Y tế xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường ứng dụng công nghệ số trong quản lý hồ sơ, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Thế Hùng
Từ khi xây dựng thôn thông minh, công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo của bà Đào Thị Tình, Trưởng thôn Thụ Ích 2, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc đỡ vất vả hơn nhiều. Trước đây, để tuyên truyền các văn bản mới của Đảng, Nhà nước hay thông báo về tình hình sâu bệnh hại cây trồng, bà Tình phải lồng ghép vào các cuộc họp chi bộ, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thông tin.
Giờ đây, với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, bà Tình chỉ cần một vài thao tác gửi trực tiếp văn bản lên nhóm Zalo của thôn để tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương đến người dân một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Nhờ đó, các nhiệm vụ, công việc chung của thôn được triển khai kịp thời, thuận lợi.
Bà Tình chia sẻ: "Việc xây dựng thôn thông minh đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống hằng ngày của người dân. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã ứng dụng internet, các mạng xã hội (Zalo, Facebook), kênh thương mại điện tử để quảng bá, bán sản phẩm trên môi trường số. Từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống.
Đến nay, toàn thôn có 91,5% người trưởng thành trong thôn sử dụng điện thoại thông minh; 100% hộ dân đã gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch, bản đồ giáo dục…; nhà văn hóa thôn đã lắp đặt mạng wifi tốc độ cao truy cập miễn phí để phục vụ các cuộc hội họp, sinh hoạt, học tập, tra cứu thông tin của người dân.
Cùng với đó, thôn Thụ Ích 2 có 4 tuyến đường chính được lắp 14 camera kết nối với điện thoại thông minh của trưởng thôn, bí thư chi bộ, công an viên góp phần đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn xã hội".
Chủ tịch UBND xã Liên Châu Phùng Mạnh Khuyến cho biết: "Để xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã lựa chọn 10 thôn thực hiện mô hình thôn thông minh. Đến tháng 3/2024, đã có 4 thôn Thụ Ích 1, Thụ Ích 2, Thụ Ích 3, Thụ Ích 4 được UBND huyện công nhận đạt chuẩn thôn thông minh.
Giờ đây, 100% cán bộ thôn có ứng dụng các nền tảng số qua Zalo; 100% cán bộ, công chức xã sử dụng email công vụ, có tài khoản sử dụng trên các phần mềm dùng chung của tỉnh; 100% văn bản đi - đến trong môi trường số được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử.
Các nhóm Zalo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được sử dụng hiệu quả, góp phần nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nhân dân và những vấn đề vi phạm phát sinh trong đời sống xã hội. Qua đó, giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã vượt 75 triệu đồng".
Đoàn viên, thanh niên xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường hướng dẫn người dân sử dụng nhóm Zalo chung của thôn để nhận thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Thế Hùng
Thực hiện Kế hoạch số 50 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã đa dạng hình thức tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số; ứng dụng các phần mềm quản lý trực tuyến trong công tác lập kế hoạch, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng đối với kết quả xây dựng NTM; gắn mã, cập nhật, thông báo và gắn biển địa chỉ số cho từng hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nông thôn với bản đồ số Việt Nam.
Tính hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 177 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 6 thôn đạt chuẩn NTM thông minh.
Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, 100% các địa phương quản lý điều hành trên môi trường điện tử; ít nhất 97% số xã đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông; 70% cấp huyện, cấp xã có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực có ứng dụng công nghệ số; xây dựng ít nhất 1 mô hình điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, hoặc du lịch nông thôn, môi trường, an ninh trật tự…
Theo đó, các nhóm giải pháp được tỉnh đề ra như tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng NTM thông minh.
Xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, phát triển xã hội số trong xây dựng NTM; xây dựng bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn; thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Mai Liên