Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, động lực quan trọng tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội. Vĩnh Phúc đã và đang quyết liệt đẩy mạnh CĐS sâu rộng, toàn diện, hiệu quả, ưu tiên lựa chọn những việc đột phá, tiện ích thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở, nền tảng CĐS nhanh, bền vững.
Công chức bộ phận một cửa xã Đồng Quế (Sông Lô) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Ảnh: Trà Hương
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, quyết tâm “đi tắt, đón đầu”, “đi trước, về trước”, Vĩnh Phúc đã khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình, đề án và xây dựng cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, nền tảng quan trọng đẩy nhanh quá trình CĐS trên địa bàn.
Hằng năm, UBND tỉnh giao nhiệm vụ, chỉ tiêu CĐS cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện nhiệm vụ CĐS, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ CĐS để đánh giá hiệu quả công việc của người đứng đầu.
Công tác tuyên truyền được tỉnh chú trọng triển khai để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và mọi người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ CĐS thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của CĐS phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội.
Hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ với hơn 3.100 trạm thu phát sóng, phủ sóng 100% các thôn, tổ dân phố; đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng các dịch vụ số của người dân, doanh nghiệp.
Chủ vườn cây tại xã Triệu Đề (Lập Thạch) ứng dụng công nghệ số livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Trà Hương
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân, đáp ứng quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) của tỉnh đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng thanh toán tập trung quốc gia; Hệ thống thông tin phản ánh, kiến nghị tỉnh trên ứng dụng di động VinhPhuc-S đang được triển khai thử nghiệm…
Quyết tâm xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, huyện Lập Thạch đã quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở hạ tầng CNTT; chỉ đạo các đơn vị, địa phương ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết TTHC.
Căn cứ các nhiệm vụ được giao, từng cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh CĐS, ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính trên cơ sở áp dụng thống nhất hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sử dụng văn bản, tài liệu điện tử, hội nghị trực tuyến.
Hiện, 100% đơn vị, địa phương trong huyện đã thực hiện trao đổi, tạo lập, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% TTHC được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin một cửa điện tử…
Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh quyết liệt triển khai các nhiệm vụ về CĐS, ứng dụng nền tảng công nghệ số nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.
Giám đốc BHXH Vĩnh Phúc Nguyễn Duy Phương cho biết: “BHXH Vĩnh Phúc đang ứng dụng hiệu quả 16 phần mềm nghiệp vụ, 68 dịch vụ công toàn trình và 2 dịch vụ công toàn trình liên thông nên người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan BHXH trên môi trường mạng, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại.
Thông tin của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế đã được liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và một số cơ sở dữ liệu của các ngành, giúp người dân giao dịch thuận lợi, đảm bảo minh bạch, công khai.
Hợp tác xã nông nghiệp Thành Hưng (Lập Thạch) ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc cây thanh long ruột đỏ. Ảnh: Trà Hương
Trung bình mỗi năm, BHXH tỉnh tiếp nhận và giải quyết hơn 1 triệu lượt hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết qua phương thức điện tử chiếm hơn 80%”.
CĐS đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chính quyền số từng bước được hình thành với sự chuyển đổi rõ nét từ phương thức hoạt động truyền thống sang phương thức mới dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu số; các loại văn bản, giấy tờ chỉ đạo, điều hành của tỉnh chủ yếu ban hành dưới dạng văn bản điện tử, tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản đạt hơn 99%.
Tỷ trọng kinh tế số trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 chiếm hơn 21% GRDP của tỉnh; 100% cơ sở giáo dục, y tế của tỉnh đã thực hiện CĐS; hơn 96% dân số đã được tạo lập hồ sơ trên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% doanh nghiệp đã đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng internet, sử dụng hóa đơn điện tử; hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh…
Để tiến nhanh, tiến chắc hơn nữa trên hành trình CĐS, tỉnh tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ CĐS kịp thời, đúng tiến độ; tập trung, ưu tiên nguồn lực hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, tạo động lực thúc đẩy và dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số.
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CĐS hiện nay...
Lê Mơ