Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lập Thạch luôn đoàn kết phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, vượt khó vươn lên, góp phần xây dựng gia đình, quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Mô hình sản xuất gỗ bóc của CCB Diệp Văn Quý, xã Quang Sơn (Lập Thạch) tạo việc làm cho 10 - 15 lao động, thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Về thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn (Lập Thạch) hỏi thăm CCB Diệp Văn Quý, ai cũng biết, bởi ông không chỉ gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay tại quê nhà.
Hiện nay, xưởng sản xuất gỗ bóc của CCB Diệp Văn Quý đang tạo việc làm cho 15 lao động là hội viên CCB, cựu quân nhân và con em hội viên CCB trên địa bàn, với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Quý cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (năm 1993) trở về địa phương, tôi đã bôn ba với đủ nghề xong cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Phát huy tinh thần, phẩm chất vượt khó của người lính Cụ Hồ, năm 2013, nhận thấy nghề sản xuất gỗ bóc đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn của bạn bè, người thân, đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gỗ bóc với diện tích khoảng 10.000 m2.
Nhờ chịu khó học hỏi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sản phẩm có chất lượng, giá tốt, đến nay, xưởng sản xuất không chỉ được mở rộng quy mô, đầu tư thêm một số loại máy móc hiện đại mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình tôi và phát triển KT - XH trên địa bàn.
Với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, CCB Phan Văn Chí, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu quân nhân (CQN) làm kinh tế giỏi xã Vân Trục đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo hơn 3 ha đất đồi khô cằn, đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm.
Đến nay, cây thanh long ruột đỏ đã giúp nhiều người dân trên địa bàn xã Vân Trục thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ trên những diện tích đất đồi canh tác kém hiệu quả.
Thanh long ruột đỏ hiện nay không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hàng chục lần so với trồng cây sắn, bạch đàn mà trở thành cây trồng thế mạnh trên địa bàn huyện Lập Thạch, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Chủ tịch Hội CCB huyện Lập Thạch Trần Anh Tuấn cho biết: Nét nổi bật trong phát triển kinh tế tại các gia đình hội viên CCB trên địa bàn huyện là dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới tư duy kinh tế, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, phù hợp với từng địa phương.
Tiêu biểu như phong trào trồng cây thanh long trên đất Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Quang Sơn; mô hình chăn nuôi lợn, bò sữa của hội viên CCB xã Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Thái Hòa… Ngoài ra, hội viên CCB xã Triệu Đề, Văn Quán còn phát triển làng nghề mây tre đan, gia công đệm mút...
Nhờ đó, đời sống, thu nhập của hội viên CCB trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo CCB trong huyện là 4,16% thì đến năm 2023 giảm còn 0,82%, nhiều xã không còn hộ hội viên CCB nghèo như xã Triệu Đề, Liễn Sơn, Đồng Ích.
Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, hội viên CCB huyện Lập Thạch đã hiến 99.650 m2 đất, đóng góp 18.600 ngày công, tham gia xây dựng 14km hệ thống cống rãnh thoát nước thải...
Trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM), Hội CCB huyện đã phát động phong trào “CCB chung tay xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu”, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp và Hội cơ sở rà soát, kiểm định, lập hồ sơ hỗ trợ xây mới nhà kiên cố cho 1 hộ dân có khó khăn về nhà ở tại LVHKM Hoàng Chung, xã Đồng Ích.
Các hội viên CCB tích cực tham gia hiến đất, ngày công, đóng góp tiền, vật chất trong quá trình triển khai thực hiện. Tiêu biểu, thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích vận động hội viên CCB và nhân dân ủng hộ 300 triệu đồng xây dựng cổng làng; thôn Vân Nam, xã Vân Trục vận động hội viên CCB và nhân dân ủng hộ 40 triệu đồng mua chậu hoa, cây cảnh...
Hiện nay, 3 LVHKM trên toàn huyện có 15 mô hình CCB làm kinh tế. Trong đó, 10 mô hình sản xuất, 5 mô hình kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát huy kết quả đạt được, Hội CCB huyện Lập Thạch tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Đồng thời duy trì phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” nâng cao đời sống, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của CCB, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ CCB nghèo xuống còn dưới 0,1%.
Bài, ảnh: Hồng Tính