Góp phần bình ổn thị trường, mở rộng giao thương hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh(SXKD). Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Đội QLTT số 1 tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các cơ sở SXKD trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.
Cuối tháng 12/2023, thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong SXKD hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Đào Việt Bắc tại thị trấn Lập Thạch (Lập Thạch).
Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 4 phát hiện cơ sở đang trưng bày, bán các sản phẩm hàng hóa là quần áo, giày dép có gắn các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không đúng với quy cách và tiêu chuẩn của chủ sở hữu các nhãn hiệu. Đặc biệt, chủ cửa hàng không xuất trình được tài liệu, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Qua quá trình thẩm tra, xác minh và làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời, căn cứ hồ sơ, tài liệu và tang vật vi phạm, Đội QLTT số 4 kết luận hộ kinh doanh trên đã có hành vi vi phạm trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền xử phạt trên 100 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung, đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm với thời hạn đình chỉ 2 tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
Để bảo đảm kiểm soát tốt thị trường, ngay từ đầu năm, Cục QLTT tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường,chỉ đạo các Đội QLTT tập trung lực lượng thực hiện theo các chuyên đề, lĩnh vực, mặt hàng cụ thể.
Năm 2023, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra 731 lượt vụ, trong đó, có 617 vụ kiểm tra theo kế hoạch, 114 vụ kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện và xử lý 233 vụ gian lận trong lĩnh vực thương mại, với tổng số tiền thu phạt trên 2,8 tỷ đồng.
Cùng với đó, Cục QLTT đã in và phát tài liệu tuyên truyền hơn 14.500 quyển sách giới thiệu cách phân biệt hàng thật, hàng giả của một số nhãn hiệu hàng; 66.000 tờ gấp pháp luật tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động SXKD.
Phối hợp với các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp của một số nhãn hiệu nổi tiếng tổ chức 3 hội nghị tập huấn cho trên 300 lượt người tham dự nhằm cập nhật các phương thức thủ đoạn mới trong SXKD hàng hóa, phân biệt hàng thật - hàng giả của các nhãn hiệu.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cơ sở SXKD về thương mại điện tử, kinh doanh thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, vật tư y tế...
Nhờ đó, tình hình thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn cơ bản ổn định, lưu thông hàng hóa được đảm bảo thông suốt, không xảy ra hiện tượng khan hàng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Ông Bùi Văn Đạm, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Dương cho thấy, phần lớn các cửa hàng kinh doanh đều chấp hành nghiêm theo quy định, các mặt hàng tương đối phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh vi phạm về nhãn hàng như hàng hóa có nhãn ghi chưa đầy đủ thông tin về hàng hóa, hàng hóa có nhãn gắn dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với hàng hóa đã được bảo hộ vi phạm về sở hữu trí tuệ...
Do đó, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, Đội QLTT số 1 tăng cường công tác quản lý địa bàn kết hợp với việc tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở SXKD không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái phép khác.
Chị Phan Thị Huệ, chủ Cửa hàng Thế giới sữa Hùng Huệ, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: "Với phương châm “Chất lượng tạo thương hiệu, uy tín để thành công”, hơn 19 năm kinh doanh tạp hóa tổng hợp, tôi luôn nhập hàng hóa có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Tuy nhiên, vừa qua, do chưa hiểu rõ luật nên đã tôi đã bán hàng hóa có dán nhãn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do công ty cung cấp.
Hiện, cửa hàng không bày bán sản phẩm trên. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, uy tín của cửa hàng, tôi sẽ tích cực tìm hiểu, tham dự các lớp tập huấn của các cơ quan chức năng tổ chức để hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng".
Vi phạm về kinh doanh, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, DN mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Hồng Tính