Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, tuy nhiên, bức tranh kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều mảng màu sáng tối. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt thấp; thu ngân sách dù ở mức cao so với các tỉnh lân cận nhưng thấp so với cùng kỳ… Trước tình hình này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, quyết tâm dồn sức hoàn thành cơ bản những mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm.
Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh và sự linh hoạt trong công tác điều hành, Công ty Youngbag Vina, Khu công nghiệp Bình Xuyên luôn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm ổn định và thu nhập khá cho người lao động.
Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chiến tranh, xung đột và bất ổn chính trị xảy ra nhiều nơi trên toàn cầu làm ảnh hưởng rất lớn đến một nền kinh tế có độ mở cao như Vĩnh Phúc.
Trước bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất...
Nhờ những nỗ lực trên, càng về thời điểm cuối năm, tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh càng có dấu hiệu phục hồi tốt. Từ tốc độ tăng GRDP quý I năm 2023 giảm 0,5%, thuộc nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69%, 9 tháng năm 2023 tăng 2,1% ; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%, là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng.
Đặc biệt, tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh có tới 1.246 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 14.400 tỷ đồng, tăng 11% về số DN so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh số DN thành lập mới, trong thời gian này, Vĩnh Phúc cũng có 318 DN quay trở lại thị trường.
Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khởi sắc với số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh thu hút gần 558 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 34,82% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 139,4% kế hoạch. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, bằng 215,5% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,26 lần so với kế hoạch năm 2023.
Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn đã có những tín hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, 10 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt thấp; thu ngân sách tuy cao so với các tỉnh lân cận nhưng thấp hơn so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao so cùng kỳ (71%). Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn, thị trường xuất khẩu và đơn hàng.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có đóng góp chính vào tăng trưởng, thu ngân sách như ô tô, xe máy đều có sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ; riêng doanh thu sản phẩm linh kiện điện tử vẫn tăng nhưng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Việc đầu tư cho chương trình khuyến công còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào phát triển công nghiệp nông thôn, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều nhưng đáng chú ý là vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi, có thời điểm chưa được phát huy đầy đủ. Tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; phương thức, cách thức làm việc còn chưa chuyên nghiệp, thiếu khoa học.
Một số địa phương chưa chú trọng trong việc quản lý trật tự xây dựng, cá biệt ở một số nơi, có lúc còn buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng; lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, quản lý xây dựng còn thiếu; một số chủ đầu tư có ý thức tuân thủ pháp luật xây dựng chưa cao.
Việc triển khai các dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công chậm do công tác bồi thường, GPMB gặp khó khăn; sự biến động tăng giá vật liệu xây dựng, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm vật tư đầu vào dẫn đến nhiều hạng mục, công trình phải giãn tiến độ thi công; một số dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự toán, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án…
Từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng hết năng lực hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chủ yếu như tập trung tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển kinh tế, tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là các chính sách về tài chính, tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Tháo gỡ khó khăn trong từng ngành, lĩnh vực và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các chính sách an sinh xã hội và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước và ứng dụng khoa học công nghệ. Siết chặt hoạt động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Triển khai có hiệu quả công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính và tư pháp. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tin rằng với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, Vĩnh Phúc lại một lần nữa vượt khó thành công, hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm, trong đó không loại trừ khả năng có một số lĩnh vực về đích sớm hơn dự kiến, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: Quang Nam