Những năm qua, Vĩnh Phúc đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai ứng dụng nhiều đề tài khoa học, công nghệ mới, tiên tiến vào thực tiễn và đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) thời kỳ hội nhập.
Công ty cổ phần Chăn nuôi và Chế biến sữa Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào khâu chế biến sữa bò, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Thế Hùng
So với một số địa phương nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… nguồn kinh phí đầu tư phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) của tỉnh ở mức cao.
Chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và hệ thống các trường, trung tâm đào tạo cán bộ công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển các khu công nghiệp được quan tâm.
Tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất khang trang cho các trường, bố trí gần 300 tỷ đồng để mua sắm thiết bị đào tạo hiện đại trang bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như hàn robot, máy tiện CNC, các thiết bị lập trình kết nối tạo ra thiết bị tự động hóa cao, các phòng học mô phỏng và thiết bị mô phỏng có độ tương tác cao...; đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Công tác nghiên cứu khoa học đã phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Nhờ vậy có rất nhiều nhiệm vụ KHCN ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục đã được ứng dụng, duy trì, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.
Trong sản xuất công nghiệp, việc ứng dụng kỹ thuật, đầu tư đổi mới thiết bị máy móc, công nghệ đi đôi với bảo vệ môi trường, đầu tư cải tiến, đồng bộ hóa công nghệ sản xuất những ngành có lợi thế của tỉnh từng bước được các doanh nghiệp quan tâm triển khai.
10 năm qua (2013-2023), trên địa bàn tỉnh đã có 5 hội thi được tổ chức với 573 giải pháp của 1.004 tác giả với những sáng kiến cải tiến công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế lớn ở các doanh nghiệp như Thép Việt Đức, Prime Group…
Các dự án đầu tư vào tỉnh đều được thẩm định công nghệ trước khi cấp phép nhằm loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng, quy mô công trình, dự án nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Chỉ riêng 2 năm 2020, 2021, tỉnh đã phê duyệt 14 đề tài liên quan đến công tác nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước hơn 14 tỷ đồng (bình quân hơn 1 tỷ đồng/đề tài).
Nhiều đề tài đã được ứng dụng rộng rãi vào thực tế đời sống góp phần quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh như Dự án sản xuất rau an toàn, quy mô 130 ha triển khai ở 16 xã, thu hút 9.000 hộ nông dân tham gia với sản lượng 2,5 vạn tấn/năm; ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, bảo tồn các loài cây dược liệu và sản xuất các dược chất, các sản phẩm thứ cấp có giá trị.
Hay như thí điểm 18 mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, 8 vùng sản xuất rau an toàn thuộc dự án QSEAP, quy mô 220 ha ở 8 xã, thị trấn; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với 28 cơ sở sản xuất, chế biến rau, quả; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao giá trị cho sản phẩm sữa tươi; hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm Probio Livest - VP01 để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi…
Nhờ ứng dụng mạnh mẽ KHCN vào sản xuất, đến nay, toàn tỉnh có 141 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó, nhiều sản phẩm đạt chất lượng 4 sao được tiêu thụ tại nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Để ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là cơ chế, chính sách trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia.
Tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ; phát triển hạ tầng, thị trường và doanh nghiệp KHCN, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế...
Lưu Nhung