Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, với nhiều chính sách đột phá, từ chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đến việc hỗ trợ phát triển chuỗi nhà thuốc và kinh doanh dược trực tuyến. Nhiều ý kiến khẳng định Luật Dược sửa đổi được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới sẽ giúp giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về dược, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về pháp lý
Ngày 21/11, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật Dược sửa đổi) với 7 nhóm điểm mới cơ bản. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó một số quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo Bộ Y tế, Luật Dược sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giúp người dân dễ tiếp cận thuốc mới. Đồng thời, có những quy định siết giá thuốc, hỗ trợ dược nội địa phát triển, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Luật Dược (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Dược năm 2016, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Do đó, việc sửa đổi Luật Dược là cần thiết, nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; bảo đảm thuốc cho phòng chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
"Việc sửa đổi Luật Dược là để tạo hành lang pháp lý giải quyết các điểm nghẽn trong thời gian qua, tránh gây thiếu thuốc phòng và chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; thêm các giải pháp quản lý chặt chẽ giá thuốc", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng: Luật Dược được sửa đổi lần này liên quan đến nhiều chính sách lớn, tác động lớn đến ngành dược và liên quan trực tiếp đến người dân. Những chính sách lớn, đặc biệt chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược trong lần sửa đổi này đã linh hoạt, đồng bộ cùng các luật liên quan và nhận được sự đồng thuận.
Không chỉ nóng tại nghị trường Quốc hội, việc Luật Dược sửa đổi được thông qua cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách này sẽ tạo chuyển biến lớn trong phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam.
Đồng thời kỳ vọng bên cạnh việc thông qua Luật Dược sửa đổi, sẽ có thêm các văn bản quy định của Chính phủ, các hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và các Bộ liên quan. Từ đó, luật mới có thể đi vào cuộc sống và người dân mới được thụ hưởng những lợi ích của các chính sách mới này.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một nhà thuốc trên đường Lý Thường Kiệt, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Việc sửa đổi Luật Dược lần này đã tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Đây là lần sửa đổi rất tích cực, kịp thời của các cơ quan quản lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn. Từ đó giúp các doanh nghiệp chuyên tâm trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, chung tay vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Cơ hội cho thương mại điện tử
Cùng với việc tập trung cải thiện chính sách của Nhà nước về dược, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, các quy định bổ sung bao gồm việc ưu đãi thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu thuốc, khuyến khích đầu tư nghiên cứu sản xuất thuốc và nguyên liệu.
Luật Dược sửa đổi cũng đẩy mạnh nội dung chuyển đổi số và áp dụng ưu đãi cho các dự án trong lĩnh vực dược được nhấn mạnh. Luật cũng tạo hành lang pháp lý cho các hình thức kinh doanh hiện đại như chuỗi nhà thuốc và thương mại điện tử trong ngành dược phẩm.
Các quy định chi tiết về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh, từ việc luân chuyển thuốc, nhân sự giữa các nhà thuốc trong chuỗi, đến kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, giúp đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với xu thế. Việc luật hóa hoạt động bán thuốc online là việc phù hợp với xu thế thị trường và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến ngành dược trong nước.
Theo đó, người dân được hưởng nhiều tiện ích nhất trong việc mua thuốc hay các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, việc luật hóa hoạt động mua bán thuốc online cũng giúp việc cung ứng và quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc sẽ minh bạch, hiệu quả, tiến tới định danh trên từng giao dịch, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh, giảm tải hệ thống bệnh viện và đúng xu thế phát triển của khu vực và thế giới về chuyển đổi số.
Như vậy có thể thấy, Luật Dược sửa đổi lần này đã đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà cả người bệnh. Trong đó, người bệnh sẽ dễ dàng tiếp cận thuốc hơn khi nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn, an tâm khi sử dụng thuốc.
Trao đổi với phóng viên, nhiều cử tri cho rằng: Việc thương mại điện tử là xu thế tất yếu nhưng vì thuốc là sản phẩm đặc biệt, vậy nên, một hạ tầng quản lý chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo tính kịp thời và thuận tiện cho người dân tiếp cận với thuốc là vô cùng cần thiết. Việc luật hóa hoạt động bán thuốc online là việc phù hợp với xu thế thị trường và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến ngành dược.
Tuy nhiên, dù vui mừng vì hoạt động bán thuốc online đã có hành lang pháp lý, song nhiều ý kiến cho rằng: Trong thời gian tới, khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn, Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp nhận các ý kiến đa chiều, đồng thời tham khảo mô hình quản lý việc bán thuốc online của các nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam để ban hành các hướng dẫn chi tiết và phù hợp với nền kinh tế số.
“Nhu cầu mua thuốc online rất lớn và còn tiếp tục tăng. Việc không quy định rõ ràng sẽ dễ dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng. Cần có các quy định cụ thể để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong kinh doanh dược phẩm trực tuyến.
Đồng thời cần có sự phân biệt giữa bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động bán thuốc tự phát qua livestream trên mạng xã hội. Việc thiếu các quy định chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng bán thuốc “chui”, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng thuốc” - chị Nguyễn Thu Hương, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương bày tỏ băn khoăn.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ