Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi tại một số địa phương trong cả nước, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi nhằm chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trên địa bàn.
Cán bộ Trạm Y tế xã Trung Kiên (Yên Lạc) tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ảnh: Dương Chung
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi mắc sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số người nghi mắc bệnh sởi cao hơn 52,9 lần, số người dương tính với bệnh sởi cao hơn 111 lần và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Tại Vĩnh Phúc, theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 ca dương tính với bệnh sởi, trong đó có 1 ca chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, 1 ca mới tiêm vắc xin phòng bệnh sởi được 3 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường cho biết: Tháng 11, trên địa bàn huyện ghi nhận 1 ca mắc sởi tại xã Yên Lập. Ngay sau khi nhận được thông tin, trung tâm đã cử cán bộ xuống hỗ trợ Trạm Y tế xã Yên Lập thực hiện công tác điều tra, giám sát nguy cơ tại địa phương. Đến nay, không ghi nhận thêm trường hợp mắc/nghi mắc bệnh sởi.
Tuy nhiên, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch sởi, trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn huyện tăng cường giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi tại cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng tránh, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, tăng cường phát hiện sớm các trường hợp sốt, phát ban nghi mắc sởi tại cộng đồng và tại cơ sở khám, chữa bệnh; các trường hợp nghi ngờ cần lấy mẫu gửi đi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm để thực hiện cách ly đối với các ca mắc bệnh sởi.
Theo đánh giá của bác sĩ Bùi Văn Hồng, Phó Trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trường hợp mắc sởi trên địa bàn tỉnh chỉ là các ca bệnh rải rác, không có ổ dịch tập trung. Đặc biệt, vắc xin phòng chống bệnh sởi được cung ứng đầy đủ tại các điểm tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đơn và sởi - rubella đạt tỷ lệ rất cao với hơn 80% (vượt kế hoạch đề ra). Đây là một “lá chắn” quan trọng nhằm giảm tối đa nguy cơ bùng phát dịch sởi trên địa bàn tỉnh.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Trẻ em chưa được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và rất dễ lây lan, đặc biệt ở những nơi đông người như trường học, nơi công cộng. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp qua các giọt bắn chứa vi rút khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, họng của người bệnh.
Nhiều người nghĩ rằng, sởi chỉ gây ra các vấn đề ít nghiêm trọng cho sức khỏe như phát ban hoặc sốt nhẹ, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, vi rút sởi có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng và đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như rối loạn cơ, hệ vận động, viêm màng não, viêm não cấp...
Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn tiềm ẩn rất lớn, để bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện mục tiêu không để dịch sởi bùng phát, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế và chính quyền các cấp tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh; tổ chức cách ly, điều trị và phòng, chống lây nhiễm; thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh để đưa ra các biện pháp phòng, chống phù hợp.
Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng và truyền thông về phòng, chống bệnh sởi cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các cơ sở y tế cần chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị và nhân lực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh nhằm giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm và bảo đảm an toàn sức khỏe trẻ em.
Bác sĩ Bùi Thị Biên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Kiên (Yên Lạc) cho biết: Đơn vị luôn bảo đảm đủ vắc xin sởi đơn và sởi - rubella để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của trẻ em. Trung bình mỗi tháng, trạm thực hiện tiêm cho từ 5 - 10 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng các loại vắc xin sởi, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đến thời điểm hiện tại đạt hơn 82%. Nhờ hiệu quả công tác tiêm chủng, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã không ghi nhận ca mắc sởi.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi, hoặc trẻ từ 1 - 14 tuổi chưa tiêm đầy đủ vắc xin sởi - rubella đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đúng lịch.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa lây nhiễm bệnh sởi, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, bảo đảm nhà ở và môi trường xung quanh sạch sẽ, thông thoáng. Đặc biệt, tại các cơ sở giáo dục như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, khử trùng đồ dùng, đồ chơi để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sốt, ho, phát ban hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sởi, cần nhanh chóng cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Minh Nguyệt