Xây dựng môi trường văn hóa số là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, hữu ích trên không gian mạng. Hiện tỉnh đang triển khai các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa số dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Những năm gần đây, số lượng người sử dụng mạng internet ngày càng tăng. Đầu năm 2024, cả nước có hơn 78 triệu người dùng internet, chiếm 79% dân số, tăng khoảng 6% so với năm 2022. Với sự gia tăng nhanh chóng số lượng người dùng inernet, không gian mạng đã tạo ra một xã hội ảo tồn tại song song với xã hội thực. Trong xu thế đó, ngành VH-TT&DL bước vào không gian số với nhiều cơ hội và thách thức.
Thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo xây dựng quầy thông tin du lịch giúp người dân dễ dàng tìm hiểu các điểm đến và văn hóa ẩm thực của khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: Kim Ly
Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một trong những vấn đề trọng tâm cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc là “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành, qua đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Để môi trường văn hóa trên không gian mạng phát triển lành mạnh, các sản phẩm văn hóa số tạo được sức hấp dẫn, song không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.
Thư viện tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương thức hoạt động từ truyền thống sang hiện đại, nâng cao năng lực phục vụ, thu hút đông đảo bạn đọc quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện. Các tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học được số hóa.
Hệ thống thư viện công lập trên địa bàn tỉnh từng bước xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với Thư viện quốc gia và các thư viện trong và ngoài nước.
Trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh được hoàn thiện, nâng cấp theo hướng hiện đại, gắn với việc cung cấp dịch vụ trực tuyến, giúp người dùng dễ dàng truy cập, tìm kiếm và xem được tóm tắt nội dung hoặc toàn văn tài liệu từ xa.
Trong lĩnh vực bảo tàng đã thực hiện ứng dụng nền tảng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với người xem. Các tư liệu, hiện vật được số hóa dưới dạng 2D, 3D, video clip sống động, truyền tải tới người xem thông qua các kênh trực tiếp hoặc trực tuyến. Năm 2024, đã ứng dụng công nghệ quét mã QR qua phần mềm 63S travel cho các sưu tập hiện vật tại hệ thống trưng bày thường trực tại Bảo tàng tỉnh. Đến nay, đã tiến hành lập mã quét QR cho 90 hiện vật.
Điểm nhấn quan trọng trong công tác chuyển đổi số ngành VH-TT&DL là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, điều hành du lịch thông minh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch thông minh và Ứng dụng du lịch thông minh (App) trên nền tảng IOS và Androi. Với nền tảng này, du khách dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin đa dạng, đầy đủ, chính xác về điểm đến, danh lam thắng cảnh, làng nghề tiêu biểu, nơi lưu trú, nhà hàng, địa điểm mua sắm. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm tour tham quan ảo 360 độ, TVC (loại hình quảng cáo truyền hình), thuyết minh tự động đa ngôn ngữ… tích hợp trên hệ thống.
Việc ứng dụng công nghệ góp phần hình thành hệ sinh thái du lịch chuyên nghiệp, tạo lợi ích tương hỗ giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành Du lịch chất lượng cao, phát triển bền vững. Không chỉ hướng tới phục vụ du khách mà việc ứng dụng chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Lập Thạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực chuyên môn. Ảnh: Kim Ly
Bên cạnh việc ứng dụng chuyển đổi số các lĩnh vực quản lý của ngành, Sở VH-TT&DL phối hợp với các địa phương, đơn vị tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện tốt Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để mọi người có cách hành xử đúng, có ý thức thay đổi, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia thế giới ảo, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Đồng chí Quảng Đức Hạnh, Chánh Văn phòng Sở VH-TT&DL cho biết: Thời gian tới, Sở VH-TT&DL tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ chuyển đổi số; tổ chức tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số ngành VH-TT&DL; rà soát, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng.
Qua đó tạo động lực mới phát triển các ngành VH-TT&DL, tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm văn hóa số, góp phần xây dựng môi trường văn hóa số phát triển an toàn, lành mạnh.
Bạch Nga