Lưu truyền, quảng bá những bài thuốc quý của dân tộc để chữa bệnh cứu người, anh Lâm Văn Cao, người dân tộc Cao Lan ở thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô đã xây dựng và phát triển thành công mô hình trồng, chế biến thuốc Nam gia truyền, góp phần thúc đẩy nghề thuốc Nam của dân tộc Cao Lan phát triển.
Các sản phẩm thuốc Nam của gia đình anh Lâm Văn Cao được sản xuất, đóng gói, bảo quản tốt, phục vụ nhu cầu chữa bệnh của người dân. Ảnh: Kim Ly
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thuốc Nam - thương hiệu thuốc Nam bà Lợi, từ nhỏ, anh Cao đã theo mẹ lên rừng hái thuốc, được chỉ dạy cách phân biệt từng loại lá thuốc khác nhau theo hình dáng, màu sắc, mùi vị, công dụng; học cách băm thuốc, phơi thuốc, phân thuốc thành từng loại chữa các bệnh khác nhau, cách bảo quản thuốc tránh hư hỏng...
Nhờ chăm chỉ quan sát, tìm tòi, học hỏi, anh Cao dần thành thạo các công đoạn chế biến thuốc, phân biệt các vị thuốc, điều chỉnh lượng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, cơ địa, thể trạng của mỗi người để việc điều trị đạt hiệu quả cao.
Sau khi kết hôn với chị Nguyễn Thị Thu Trang, anh Cao truyền đạt cho vợ những kiến thức, kinh nghiệm làm thuốc Nam của gia đình. Từ đó, hai vợ chồng cùng nhau xây dựng và phát triển mô hình thuốc Nam truyền thống của dân tộc Cao Lan để trị bệnh cứu người.
Anh Cao chia sẻ: "Nghề thuốc Nam đòi hỏi người thầy thuốc phải tâm huyết, chịu khó tìm tòi, học hỏi, nhất là phải có duyên với nghề. Để có những vị thuốc quý, tôi phải đi vào rừng sâu hái lá thuốc. Ngoài ra, tôi đem một số cây thảo dược về trồng tại vườn nhà.
Để nâng cao kiến thức chuyên môn, ngoài việc học hỏi từ mẹ, tôi tham khảo thêm các tài liệu về y học cổ truyền, tra cứu thông tin trên mạng internet và đăng ký các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn do Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh tổ chức".
Để sản phẩm thuốc Nam của gia đình được nhiều người biết đến, anh Cao sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok để quảng bá sản phẩm. Lượng khách hàng mới tăng đáng kể, một phần nhờ quảng bá thông tin trên mạng xã hội, một phần nhờ những người bệnh đã từng sử dụng thuốc thấy hiệu quả, giới thiệu cho bạn bè, người thân.
Nhà thuốc luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe, theo dõi quá trình sử dụng thuốc của bệnh nhân để tư vấn, điều chỉnh lượng thuốc phù hợp với thể trạng, khả năng tiếp nhận thuốc của từng người.
Nhiều người được chữa khỏi bệnh đã gửi quà, gửi lời cảm ơn tới nhà thuốc. Đó là nguồn động lực lớn để vợ chồng anh Cao tiếp tục phát triển mô hình thuốc Nam gia truyền.
Ngoài việc bốc thuốc trị bệnh, nhà thuốc bà Lợi còn bán các vị thuốc Nam cho nhiều phòng khám. Trung bình mỗi tháng, nhà thuốc bà Lợi xuất bán khoảng 300 kg thảo dược cho các phòng khám ở trong và ngoài tỉnh. Lượng đơn đặt hàng ngày càng lớn, anh Cao đầu tư mua sắm các loại máy băm, máy sấy thuốc để tăng năng suất, giảm sức lao động, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Anh Cao còn thu mua các loại thảo dược do người dân địa phương vào rừng hái để làm nguyên liệu chế biến thuốc Nam hoặc nhập nguyên liệu từ các hợp tác xã dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP. Ngoài ra, anh còn sản xuất rượu men lá từ các loài thảo dược quý có lợi cho sức khỏe.
Mô hình trồng, chế biến thuốc Nam gia truyền phát triển thành công góp phần giải quyết việc làm cho 2 - 3 lao động ở địa phương. Có thời điểm, gia đình anh Cao phải thuê từ 8 - 10 lao động để đáp ứng nhu cầu công việc.
Để tiếp tục phát triển mô hình thuốc Nam gia truyền của gia đình, anh Cao dự định đăng ký học các khóa nâng cao kiến thức về y học cổ truyền để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm thuốc Nam gia truyền của đồng bào dân tộc Cao Lan tới người dân trong cả nước; từng bước phấn đấu đưa sản phẩm thuốc Nam gia truyền của gia đình trở thành sản phẩm OCOP, góp phần phát triển nghề thuốc Nam ở địa phương.
Bạch Nga