… Là những bức ảnh, dòng chữ cùng những tình cảm sâu sắc Người để lại cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; là những lời căn dặn… mãi in đậm dấu ấn; là những tài sản, giá trị tinh thần vô giá mà Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Phúc trân trọng, gìn giữ xuyên suốt theo thời gian để sống, lao động và học tập theo gương của Bác.
Bác Hồ ân cần hỏi thăm nhân dân xã Tân Phong trong ngày Người về thăm (12/2/1956). Ảnh tư liệu
Bác Hồ thăm giếng nước ăn của gia đình ông Phan Tuất thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Ảnh tư liệu
Trong bức thư ngày 18 tháng 5 năm 1965 của BCH Tỉnh ủy Vĩnh Phúc gửi chúc mừng Bác nhân ngày sinh nhật có đoạn: “Kính gửi Bác Hồ. Kính thưa Bác, nhân dịp ngày kỷ niệm sinh nhật Bác thọ 75 tuổi, thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, chúng cháu rất vui mừng chúc thọ Bác mạnh khỏe và sống lâu muôn tuổi; đồng thời cũng nhân dịp mừng thọ Bác, chúng cháu xin báo cáo với Bác một số thành tích của tỉnh Vĩnh Phúc trong bốn năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất…”.
Bức thư dài gần 6 trang mà BCH Tỉnh ủy Vĩnh Phúc gửi Bác tràn đầy tình cảm nhớ nhung da diết, sự thành kính cũng như phấn khởi báo công những kết quả, thành tựu về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, củng cố hợp tác xã, xây dựng quốc phòng… là đóa hoa dâng lên Bác đúng dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người.
Và còn nhiều những lá thư của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thành kính gửi đến Bác trong những lần sinh nhật với vô vàn tình cảm kính yêu. Tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc dành cho Bác bùng cháy như ngọn lửa Bác đã sáng soi và dẫn đường trong hành trình đấu tranh giữ nước. Dưới lá cờ vinh quang, cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc ôn lại những cống hiến cho cách mạng của Bác và nguyện đoàn kết, ra sức học tập, noi gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đạo đức cách mạng của Bác… từ ngày ấy cũng như bây giờ mãi còn đây!
Sinh thời, dù bận nhiều công việc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, song Bác Hồ luôn dành cho nhân dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng sự quan tâm sâu sắc và những tình cảm gần gũi, yêu thương. Từ năm 1945 - 1963, tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được 8 lần đón Bác về thăm, động viên và chỉ đạo công việc, đặc biệt trong lần thăm ngày 2/3/1963, Người dặn dò: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tình giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc còn được Người nhiều lần gửi thư khen ngợi hoặc biểu dương trên báo chí mỗi khi tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu như: Thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào tỉnh Phúc Yên có thành tích tham gia kháng chiến kiến quốc, ngày 16/7/1947; Thư khen ngợi HTX thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường đạt năng suất lúa cao, ngày 2/3/1966; Bác viết trên Báo Nhân Dân số 2839 ngày 30/12/1961 khen ngợi, tuyên truyền "kinh nghiệm" nhân lên thành điển hình tiên tiến về phong trào trồng cây ở thôn Lạc Trung, huyện Vĩnh Tường...
Trong hồi ký của ông Phan Đinh, nguyên cán bộ Ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc - người được phân công chụp ảnh tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương và được chụp ảnh về Bác, ông viết:
“… Tối hôm trước ngày Bác về, tôi rất hồi hộp, hết chuẩn bị máy, xem tốc độ, lấy phim, chuẩn bị trong đầu xem chụp gì, chụp như thế nào để đạt được kết quả cao, tôi cứ lúng ta lúng túng, không sao ngủ được…
Bác Hồ nay đã đi xa, nhưng đối với tôi nhớ lại những lần được chụp ảnh Bác, tôi rất vinh dự và hạnh phúc - đó là những kỷ niệm quý giá không thể quên trong suốt thời gian làm nghề của tôi và nhớ mãi lần đầu tiên được chụp ảnh Bác. Bác đã tạo thuận lợi để tôi chụp được ảnh Người, nhớ mãi đôi mắt và nụ cười của Bác, gật đầu cho tôi được chụp ảnh.
Tình cảm giản dị mà chứa chan yêu thương của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc dành cho Bác. Ảnh tư liệu
Ngày nay, mỗi lần cầm đến máy chụp tôi lại nhớ đến giây phút thiêng liêng đó và tự hứa với mình sẽ sống và làm việc tốt hơn nữa để xứng đáng với nụ cười thông cảm mà Bác đã ban thưởng cho tôi ngày ấy”.
Được ngắm những bức ảnh mà tác giả Phan Đinh đã chụp về Bác khi Người về thăm thị xã Phúc Yên ngày 21/12/1958; bức ảnh Bác về thăm và nói chuyện với nhân dân trong tỉnh ngày 2/3/1963 hay những bức ảnh Bác Hồ đã từng về thăm những miền quê của Vĩnh Phúc như Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường; xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên; HTX Lai Sơn, chùa Hà Tiên, thành phố Vĩnh Yên; công trường xây dựng khu nghỉ mát Tam Đảo… những người cầm bút như chúng tôi lại nghẹn ngào xúc động, như được thấy Bác thêm một lần để thấm nhuần những lời dạy của Người.
Mỗi bức ảnh chúng tôi như thấy mỗi bước chân của Người còn đây, vị cha già dân tộc trong bộ quần áo đơn sơ, đội chiếc mũ cát, bộ quần áo vải kaki giản dị và những giây phút hiếm hoi, quý giá của Người với bà con hợp tác xã Lai Sơn, nhân dân xã Tân Phong hay thị xã Phúc Yên ngày ấy. Bác bên giếng nước nhà cụ Phan Tuất ân cần hỏi thăm, bên những con đường làng rợp bóng cây xanh mát, Bác đến tận những ngôi nhà lá đơn sơ của bà con.
Một trang trong bức thư ngày 18/5/1965 của BCH Tỉnh ủy Vĩnh Phúc gửi chúc mừng Bác nhân ngày sinh nhật. Ảnh tư liệu
Trong một lần Bác về thăm, chúc Tết đồng bào xã Tân Phong, Bác tới tận nhà anh Thêm - 1 hộ bần cố nông độc thân, rồi Bác tới nhà bà Đằng - cơ sở nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến, Bác tới nhiều hộ gia đình để kiểm tra các công trình sinh hoạt…
Những nơi Bác đã đặt dấu chân, làng quê đã thay đổi, phát triển, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng những công trình, hiện vật và hình ảnh về Bác vẫn vẹn nguyên trong mỗi trái tim người dân nơi đây. Ai ai cũng xúc động khi kể về Bác… sự giản dị, tận tâm của Người ngày ấy đã đi sâu vào ký ức thiêng liêng mỗi người dân Vĩnh Phúc.
Trước ngày sinh nhật lần thứ 133 của Bác (19/5/1890 - 19/5/2023), mỗi trái tim của người dân Vĩnh Phúc lại rưng rưng nhớ Bác, được thấy lại kỷ niệm Bác về thăm quê hương, cũng là dịp để chúng ta được bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn trời biển tới Bác Hồ kính yêu, cùng nhau gắng sức lao động, học tập để thực hiện mong muốn của Người: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tình giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Trái tim bao la của Người mãi trong lòng chúng con!
Thu Thủy