Ngày 2/3/1963, một ngày lịch sử, một ngày không thể nào quên, một ngày mãi mãi in sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân Vĩnh Phúc, ngày Bác Hồ về thăm và nói chuyện với 2 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Vụ đông xuân 1962-1963 ở miền Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ gặp đại hạn. Hạn hán kéo dài từ tháng 9 năm 1962 đến tháng 3 năm 1963, trời không có một hạt mưa. Ở Vĩnh Phúc, nhiều cánh đồng, kể cả đầm chiêm cũng cạn khô, nứt nẻ.
Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Vĩnh Phúc ra sức chống hạn nhưng vẫn còn 2 vạn mẫu ruộng đã cấy bị thiếu nước và 2 vạn mẫu không có nước nên vẫn bỏ không.
Sáng 26 tháng 2 năm 1963, Văn phòng Trung ương điện lên yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh về Trung ương báo cáo tình hình sản xuất và chống hạn trong tỉnh. Đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy họp Thường trực Tỉnh ủy và phân công đồng chí Hồ Ngọc Thu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn bị về Trung ương báo cáo.
Chiều 26 tháng 2 năm 1963, sau khi chuẩn bị xong, đồng chí Hồ Ngọc Thu về Hà Nội báo cáo Trung Ương.
19 giờ 30 phút ngày 26 tháng 2 năm 1963, tại phòng họp Văn phòng Trung ương, đồng chí Hồ Ngọc Thu báo cáo tình hình chống hạn và sản xuất của tỉnh, khi đó có Chánh Văn phòng Trung ương và các đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thủy lợi và đồng chí Tổng cục trưởng Lâm nghiệp cùng dự. Đồng chí Hồ Ngọc Thu kể lại: “Báo cáo xong, đồng chí Phạm Chung - Phó Văn phòng Trung ương Đảng bảo tôi: Bác định về thăm Vĩnh Phúc một ngày gần đây, anh sửa lại bản báo cáo này để làm việc với Bác vào 14 giờ ngày mai, còn ngày về tỉnh Bác chưa quyết định, chúng tôi sẽ báo sau. Nghe vậy, tôi sung sướng quá, tuy đã gần 10 giờ đêm, tôi vẫn quyết định trở về tỉnh để báo tin vui với mọi người”.
Hơn 11 giờ đêm về tới Vĩnh Yên, tôi sang gặp anh Kim Ngọc, anh vui lắm bảo:
- Có lẽ mai tôi cùng đi với anh, còn báo cáo anh tiếp tục sửa đi.
Ngày 27 tháng 2 năm 1963, đồng chí Kim Ngọc bận công việc đột xuất nên đồng chí Hồ Ngọc Thu về gặp Bác.
14 giờ ngày 27 tháng 2, tại phòng làm việc của Bác, đồng chí Hồ Ngọc Thu báo cáo với Bác tình hình sản xuất, chống hạn của Vĩnh Phúc. Bác hỏi rất kỹ về sản xuất và chống hạn. Đồng chí Hồ Ngọc Thu trả lời rất trôi chảy. Bác hỏi thêm về dân quân tỉnh, về đoàn viên thanh niên trong tỉnh và nhiều việc khác, có đôi chỗ lúng túng, Bác thông cảm, độ lượng và yêu cầu báo cáo sau.
Trước khi ra về, đồng chí Hồ Ngọc Thu thưa với Bác: “Địa phương chúng cháu đang đôn đốc ra sức chống hạn, mời Bác về động viên Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc ạ”. Bác gật đầu nói: “Chú cứ về trước, Bác sẽ về".
Sáng 1/3/1963, Văn phòng Trung ương điện lên: Bác sẽ lên Vĩnh Phúc vào sáng 2/3/1963.
Đồng chí Kim Ngọc giao nhiệm vụ cho đồng chí Hồ Ngọc Thu đi đón Bác tại Hà Nội. Đồng chí Kim Ngọc triệu tập họp Ban Thường vụ để phân công nhiệm vụ cụ thể như đã thống nhất trong Thường trực Tỉnh ủy.
Ban Thường vụ họp và thống nhất tổ chức cuộc mít tinh đón Bác. Thành phần dự buổi mít tinh gồm: Lãnh đạo các cơ quan tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị; lãnh đạo chủ chốt xã, bí thư chi bộ, chủ nhiệm các hợp tác xã, bí thư các chi Đoàn; đại biểu ưu tú của các tầng lớp nhân dân, các cụ phụ lão, phụ nữ, thanh niên, công nhân, nông dân, thiếu niên tiền phong, đại biểu các dân tộc thiểu số, tôn giáo; đại biểu các lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở. Tổng số huy động 16.000 người tham dự cuộc mít tinh. Thời gian: 7 giờ 30 phút có mặt tại khu Công viên tỉnh (nay là khu Bảo tàng và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh).
Ban Thường vụ thành lập ban tổ chức cuộc mít tinh để chuẩn bị cuộc mít tinh đón Bác và nghe Bác nói chuyện.
Ban Thường vụ chỉ đạo chuẩn bị cho cuộc đón Bác, nghe Bác nói chuyện rất cụ thể và chu đáo.
17 giờ 30 phút, ngày 1 tháng 3, kỳ đài, sân bãi địa điểm đã chuẩn bị xong.
18 giờ 00 phút, ngày 1 tháng 3, thành phần triệu tập đã được thông báo đầy đủ đến từng đại biểu được mời về dự cuộc mít tinh tại thị xã Vĩnh Yên.
Đêm 1 tháng 3 đến rạng sáng 2 tháng 3, toàn tỉnh, các đại biểu đều rạo rực niềm vui, háo hức đi về Vĩnh Yên như trẩy hội.
Từ Kim Anh, Đa Phúc, Yên Lãng, Phúc Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên đến Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Yên (các huyện thị thời đó), tất cả các đại biểu đã tập trung đầy đủ ở khu vực mít tinh từ 7 giờ 30 phút, ngày 2 tháng 3 năm 1963. Ở các khu vực lân cận Vĩnh Yên, nhiều người nhất là thanh niên nghe tin cũng đi theo đoàn lên tỉnh. Gần 2 vạn người đã có mặt để chuẩn bị đón Bác.
Đêm 1 tháng 3, đồng chí Hồ Ngọc Thu, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh được cử về Hà Nội đón Bác. Đồng chí Hồ Ngọc Thu kể lại: Theo kế hoạch, Bác đi máy bay tham quan núi Sóc Sơn, đền Hai Bà Trưng rồi quay về Vĩnh Yên, hạ cánh ở khu vực quân sự cách Vĩnh Yên 3 km, nhưng vì thời tiết xấu, sương mù dày đặc, Bác đã khởi hành từ 7 giờ lên Vĩnh Phúc bằng xe ô tô. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thủy lợi, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp và một số cán bộ Trung ương.
8 giờ 30 phút, ngày 2 tháng 3 năm 1963, Bác đến trụ sở Tỉnh ủy khu Đồi Cao, nay là Nhà tưởng niệm Bác Hồ.
Bác làm việc với Tỉnh ủy, nghe đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình sản xuất, chống hạn và đời sống người dân Vĩnh Phúc. Báo cáo xong, đồng chí Kim Ngọc mời Bác ra lễ đài nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Vĩnh Phúc. Bác rất vui, nói chuyện và tặng tấm ảnh chân dung của Người cho nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Bác chụp ảnh chung với các đồng chí Tỉnh ủy và anh em văn phòng, không khí thật vui tươi, đầm ấm.
Sau đó, Bác ra lễ đài đã có gần 2 vạn người đang chờ đón Bác. Khi Bác tới, cả rừng cờ, rừng người đứng dậy hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác hiền từ đứng lên lễ đài, chào và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thăm đồng bào, cán bộ, bộ đội, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên nhi đồng, đồng thời khen ngợi các hợp tác xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn có kết quả khá”.
Tất cả đều yên lặng lắng nghe từng lời, từng câu của Bác nói. Tiếng Bác qua loa phóng thanh ấm áp, vang động cả đất trời.
Bác nói về những khó khăn hiện nay của Vĩnh Phúc là hạn hán kéo dài. Hiện nay, tỉnh còn 2 vạn mẫu đang thiếu nước chưa trồng trọt được, nắng lại kéo dài, những ruộng đã cấy rồi có thể hạn lại, bởi vậy, chúng ta cần phải ra sức tiếp tục chống hạn.
Bác nói rõ nguồn nước chống hạn tại chỗ là nguồn nước ngầm dưới lòng đất, Vĩnh Phúc đã đào và có 1.500 giếng, có 1.000 kiện tướng đào đất rất giỏi.
Vĩnh Phúc có 220 máy bơm nước, đó là lực lượng chống hạn, nhưng như thế chưa đủ, cần đào thêm nhiều giếng. Đào giếng muốn có nước phải hỏi các cụ phụ lão có kinh nghiệm, các kiện tướng làm thủy lợi, cố nhiên đồng bào phải góp sức vào nữa, như thế nhất định đào được giếng. Chúng ta nhất định phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất.
Mỗi người ngồi nghe Bác nói mới nhận ra rằng trời không mưa, sông suối cạn dần, lại ở xa không thể trông chờ trời mưa, phải đào thật nhiều giếng, mỗi cánh đồng phải có nhiều giếng để lấy nước chống hạn, phải huy động toàn dân đào giếng chống hạn, giếng nước phục vụ cho cuộc sống con người, cho gia súc, cho cây trồng, cho lúa và hoa màu. Người cần nước, gia súc cần nước, cây cối hoa màu cũng cần nước, việc đào giếng chống hạn là nhất thiết phải làm ngay. Sau đó, ở mỗi làng quê đều viết chữ bằng vôi lên tường khẩu hiệu: “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, làng nào cũng đào giếng, đào mương, khơi sông, tát nước, dùng máy bơm, không để ruộng bỏ không, phải chuyển đổi cây trồng cho kịp thời vụ, trồng cây hoa màu, trồng ngô, khoai, lạc, trồng cây công nghiệp phục vụ đời sống cho toàn dân. Từ cái khó phải suy nghĩ để ló cái khôn, phải sáng tạo phù hợp với từng hoàn cảnh.
Bác nói tiếp: “Về sản xuất nông nghiệp, tục ngữ có câu "nước - phân - cần - giống”. Con người, con vật, cây trồng đều cần nước uống, cần thức ăn, cần chăm sóc, cần giống tốt.
Bác giải thích cặn kẽ phân là thức ăn của cây trồng, phải có nhiều phân. Phân xanh là lá cây, phân chuồng là phân lợn, phân trâu, phân bò, phân gia súc, phải chăn nuôi nhiều lợn, nhiều trâu bò, gia súc.
Cần là cần cù, siêng năng, chăm chỉ chưa đủ, cần là lao động thông minh, phải luôn cải tiến công cụ, phương tiện sản xuất, phải áp dụng máy móc cơ giới hóa, điện khí hóa, hiện đại hóa trong sản xuất để có năng suất cao.
Giống là yếu tố quan trọng, tốt giống tốt má, phải chọn giống tốt có năng suất cao.
Bác dặn phải chú ý thời vụ kịp thời, mọi người mới nhớ câu tục ngữ “nhất thì, nhì thục”, có nghĩa nhất là phải kịp thời vụ, nhì là phải làm đất kĩ.
Bác dặn phải phòng sâu bệnh, mọi người mới nhận ra phải phòng trừ sâu bệnh từ trứng nước, vì thế, phong trào “đem đèn dầu bẫy bướm” trừ sâu từ khi sâu còn là bướm lan rộng, đêm đến đèn như sao xa khắp các cánh đồng lúa để đánh bướm.
Bác dặn: Năm nào nắng to, nắng lâu, hạn hán kéo dài phải đề phòng ngập lụt, phải có kế hoạch phòng chống lụt bão. Về làng sau này, khi ngập lụt có phong trào “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Hệ thống cấp nước vào ruộng, thoát nước khi úng được chuẩn bị sẵn sàng trong toàn tỉnh.
Bác dặn phải cải tiến, quản lý lao động, phân công lao động hợp lý, người khỏe làm việc nặng, người sức khỏe kém làm việc nhẹ.
Bác dặn việc nào nên làm trước, việc nào nên làm sau, phải sắp xếp công việc hợp lý. Bác nói thêm: “Muốn làm tốt tất cả mọi công việc thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh ủy đến chi bộ”.
Bác nói, kinh nghiệm cho thấy chỗ nào mà chi bộ tốt thì ở chỗ đấy hợp tác xã tốt, là chỗ ấy làng sạch, là chỗ ấy các cháu học tốt, là chỗ ấy vệ sinh tốt.
Bác nói lại: Muốn làm tốt mọi công việc, thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh ủy, đến chi bộ. Lãnh đạo tốt nghĩa là thế nào, lãnh đạo tốt là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân.
Bác dặn cán bộ phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác nhắc cán bộ, đảng viên, đoàn viên không được quan liêu, mệnh lệnh, không chỉ tay năm ngón, phải đi sâu, đi sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe, giúp đỡ bà con nhân dân. Bác nói cán bộ tốt là cán bộ thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xấu là quan liêu, tham ô, lãng phí. Bây giờ phải lấy cái tốt đánh tan cái xấu để mà tiến bộ, Bác dặn: “Mỗi đảng viên và mỗi đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, phải ra sức đoàn kết và giúp đỡ bà con cùng tiến bộ, phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Kết thúc buổi nói chuyện, Bác hỏi có làm được không? Đảng viên, đoàn viên có quyết tâm làm được không? Đồng bào có quyết tâm làm được không? Các cụ với các cháu có hiểu cả không? Có hiểu được về có nói lại cho đồng bào nghe được không? Hàng vạn cánh tay giơ lên nói: Có ạ, có ạ, có ạ... vang lên như sấm dậy cả một góc trời. Bác giơ tay chào tất cả cán bộ, chiến sĩ và đồng bào.
Tất cả cùng đứng dậy, hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm!
Tất cả đồng thanh: Muôn năm, muôn năm, muôn năm! Tiếng hô vang động cả đất trời. Lúc đó là 9 giờ 45 phút ngày 2 tháng 3 năm 1963.
Ngày mùng 2 tháng 3 năm 1963 với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc là một ngày không thể nào quên. 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân mãi mãi khắc ghi và làm theo lời Bác dạy, luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, luôn cùng nhau phấn đấu để xây dựng Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh và hạnh phúc.
Nguyễn Đức Tẩm
Nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy