Việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn huyện Lập Thạch thời gian vừa qua đã thể hiện tính dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Các ý kiến đóng góp của nhân dân đã góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội thông qua, tạo động lực cho sự phát triển.
Cán bộ, đảng viên xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lập Thạch cho biết: “Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có nhiều thay đổi tích cực, giải quyết được những bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai, như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; mở rộng đối tượng sử dụng đất nông nghiệp; quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất và tăng cường thanh tra, kiểm tra khiếu nại liên quan đến đất đai.
Qua các cuộc họp, nhiều người dân đã đóng góp ý kiến phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, có các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất.
Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp (KCN); thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…”.
Điều 4 trong Dự thảo là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có quy định khác nhau về cùng một vấn đề quy định tại Khoản 3, Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Do đó, quy định của Dự thảo cần được điều chỉnh lại để phù hợp và đảm bảo về nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Tại Khoản 5, Điều 60, người dân đề nghị bỏ cụm từ “Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất”, sửa thành: “Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên” vì trong phạm vi cấp huyện quản lý có rất nhiều thửa (lên đến hàng triệu thửa đất).
Nếu lập chi tiết đến từng thửa đất sẽ gây khó khăn trong công tác thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, như thể hiện chi tiết các thửa đất trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
Việc thu hồi đất, trưng dụng đất được đặc biệt quan tâm, người dân đề nghị cần quy định rõ dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư bao gồm đất sinh hoạt cộng đồng, đất khu vui chơi, giải trí công cộng, đất công trình công cộng khác.
Trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Người dân đề nghị bỏ cụm từ “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, sửa thành: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo an sinh xã hội.
Vì việc đánh giá thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ liên quan đến nhiều yếu tố và khó xác định, dẫn đến việc người có đất gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nếu cho rằng điều kiện chỗ ở cũ tốt hơn chỗ ở mới.
Về phát triển quỹ đất, người dân kiến nghị, quỹ phát triển đất của địa phương do UBND tỉnh, cấp huyện thành lập hoặc ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác của địa phương để tiếp nhận và ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy định.
Cùng với đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho quỹ phát triển đất.
Vì nếu thành lập quỹ phát triển đất ở cả cấp tỉnh và cấp huyện sẽ giúp UBND cấp huyện chủ động trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các dự án khác; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; quản lý, khai thác quỹ đất và các nhiệm vụ khác do UBND cấp tỉnh quyết định.
Về chế độ sử dụng các loại đất, đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định thì UBND cấp xã cho cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê.
Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm tùy theo mục đích sử dụng đất. Người dân đề nghị tăng thời hạn cho thuê lên không quá 10 năm để tạo điều kiện cho cá nhân đầu tư nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường…
Việc lấy ý kiến đóng góp của người dân của huyện Lập Thạch vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ. Nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ ràng trong Dự án Luật Đất đai sửa đổi để cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, góp phần đưa ra 1 Luật Đất đai hoàn thiện hơn.
Bài, ảnh: Thành An