Những năm gần đây, trước xu thế phát triển nhanh về các mặt kinh tế-xã hội cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều luật và bộ luật của Việt Nam đã được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong số đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã và đang được đông đảo nhân dân quan tâm đặc biệt vì những tác động to lớn của nó đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai sẽ hạn chế được tối đa những vụ việc phát sinh liên quan đến tranh chấp đất đai (Trong ảnh: Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thành phố Vĩnh Yên thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất tại Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn 3)
Thống kê cho thấy, trong tổng số các vụ tranh chấp, khiếu nại tố cáo đến các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, những vụ việc liên quan đến đất đai thường chiếm tỷ lệ tới 70-80%. Điều này cho thấy sức nóng của vấn đề trong đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, vấn đề trồi sụt của thị trường bất động sản liên quan mật thiết đến nguồn vốn, lãi suất ngân hàng và khả năng thanh khoản của các giao dịch kinh tế cũng có nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ các cơ chế, chính sách về pháp luật đất đai.
Quan trọng hơn, với quan điểm truyền thống của người Việt Nam là phải “an cư” mới “lạc nghiệp”, nên đất và tài sản gắn liền với đất luôn có cả giá trị vô hình và hữu hình đối với mỗi người dân. Chính vì vậy, không quá khi cho rằng Luật Đất đai là một trong những bộ luật quan trọng hàng đầu của đất nước.
Những quy phạm của luật này càng chặt chẽ, sát thực tế thì người dân càng an tâm, xã hội càng ổn định và có điều kiện thuận lợi để phát triển. Ngược lại sẽ tạo ra những bất ổn không đáng có, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho xã hội và đời sống nhân dân.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng...
Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...
Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Theo đó, việc xây dựng và ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Trải qua một thời gian lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các cơ quan, tổ chức nhà nước, có thể thấy, hầu hết đều nhận thức được Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, luật cần thể chế hóa được đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.
Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần phải đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; thể chế hóa những vấn đề đã rõ ràng, được thực tiễn chứng minh là đúng; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tổng thể, chiến lược, lâu dài của hệ thống pháp luật; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng và không gian sử dụng.
Sơ bộ cho thấy, hầu hết các ý kiến góp ý đều rất cụ thể, bắt nguồn từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, từ đó giúp cơ quan soạn thảo quốc gia có cơ sở tiếp thu. Những ý kiến này là cơ sở góp phần hệ thống hóa pháp luật về đất đai mới sớm ban hành, góp phần khắc phục, giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai.
Bài, ảnh: Quang Nam