Kỳ 2: Kiến tạo “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”
Cùng với phát huy giá trị các di tích, xây dựng những nơi ghi dấu chân Người trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống thì việc xây dựng không gian văn hóa về Bác Hồ ở Vĩnh Phúc thành mô hình cụ thể là điều cần thiết, xứng tầm với tình cảm và những lần Bác về thăm Vĩnh Phúc. Qua đó lan tỏa để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nỗ lực thực hành học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của vị Lãnh tụ kính yêu.
“Phòng Hồ Chí Minh” - Điểm hẹn văn hóa cuối tuần
Tổ chức sinh hoạt chính trị, tư tưởng; đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thông tin, tư liệu, hình ảnh, những câu chuyện và cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức lễ báo công dâng Bác, văn hóa, văn nghệ cuối tuần… là những hoạt động diễn ra đều đặn tại Phòng Hồ Chí Minh của cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Vĩnh Tường.
Phòng Hồ Chí Minh được đặt trên tầng 3 của Ban CHQS huyện. Mô hình được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và được bài trí theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị với cờ Tổ quốc, cờ Đảng, bục, hoa và tượng Bác Hồ…
Mô hình “Phòng Hồ Chí Minh” là điểm hẹn văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Phương Loan
Trước cửa phòng được treo biển nội quy, tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên trong phòng được trưng bày tranh, hình ảnh nói về thân thế, cuộc đời cách mạng của Người; hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ; truyền thống của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam…
Điểm nhấn của Phòng Hồ Chí Minh là tủ sách với nhiều đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về hành trình ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Người… Cùng với đó là tài liệu, sách pháp luật, báo, tạp chí... phục vụ việc học tập, nghiên cứu của cán bộ, chiến sĩ…
Thiếu tá Trần Văn Nam, Trợ lý chính trị Ban CHQS huyện Vĩnh Tường cho biết: Sau những giờ làm việc, huấn luyện căng thẳng, chúng tôi lại cùng nhau tới Phòng Hồ Chí Minh đọc sách, báo, tổ chức văn hóa, văn nghệ, tổ chức sinh nhật, giao lưu kết nghĩa trong không gian chan hòa, ấm cúng…
Hiện nay, mặc dù công nghệ phát triển, thông tin trên internet phổ biến, nhưng không gian Phòng Hồ Chí Minh vẫn luôn là “điểm hẹn văn hóa” giúp cán bộ, chiến sĩ có điều kiện tìm hiểu về Bác, bồi đắp tình cảm, nâng cao hiểu biết, nhận thức về tư tưởng, đạo đức của Người cũng như hiểu sâu hơn về truyền thống của Quân đội ta. Từ đó chúng tôi tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Phạm Quốc Tuân, Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Vĩnh Tường cho biết: Phòng Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả là không gian văn hóa ý nghĩa về Bác Hồ và truyền thống lực lượng quân đội; là nơi sinh hoạt, giáo dục chính trị tư tưởng gắn với nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội.
Qua mô hình, mỗi cán bộ, chiến sĩ thêm vững mạnh về chính trị, tư tưởng; tạo sức mạnh nội sinh, sức đề kháng để đấu tranh với cái xấu, cái sai, quan điểm, hành vi gây hại tới văn hóa, lối sống của cán bộ, chiến sĩ; xây dựng môi trường văn hóa, các phong trào thi đua trong quân đội sôi nổi, nền nếp, chính quy, hiệu quả hơn.
Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung các tư liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư liệu những lần Bác về thăm và làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc và các tài liệu về lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đa dạng các hoạt động sinh hoạt tại Phòng Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ… từ đó phát huy hơn nữa vai trò, ý nghĩa của mô hình không gian văn hóa đặc biệt này.
Sống mãi giá trị văn hóa
Để giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi, không gian văn hóa về Bác đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, hội, đoàn thể triển khai xây dựng. Tiêu biểu như công trình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của Chi bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh ra mắt năm 2023 nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Không gian đã trưng bày, giới thiệu nhiều thông tin, hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư liệu về Bác trong những lần Người về thăm Vĩnh Phúc và hàng trăm đầu sách, bài viết về Bác Hồ.
Tại không gian này, cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp được tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, nâng cao nhận thức và thấm nhuần những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó, không ngừng trau dồi, rèn luyện, tự giác học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Ở các địa điểm công cộng như Quảng trường Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật tỉnh, Sở VH-TT&DL, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thường xuyên trưng bày, tổ chức ra mắt sách và triển lãm ảnh với các chủ đề về Bác Hồ như “Bác Hồ với Vĩnh Phúc- Vĩnh Phúc với Bác Hồ”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước”, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931 - 1933, “Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”…
Tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh - nơi gắn liền với sự kiện Bác Hồ nói chuyện với gần 2 vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc ngày 2/3/1963, UBND tỉnh đã cho đặt tấm bia đá cao hơn 3m khắc dòng chữ “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc...” để nhắc nhở các thế hệ người dân Vĩnh Phúc khắc ghi lời căn dặn của Người, nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà phát triển giàu mạnh, phồn vinh.
Bảo tàng cũng trưng bày tượng Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cùng hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh ghi lại những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc… để phục vụ người dân, học sinh, du khách tham quan, học tập, nghiên cứu về Bác Hồ và truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh.
Kiến tạo, lan tỏa không gian văn hóa Hồ Chỉ Minh không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể mà còn thông qua những hoạt động tuyên truyền, sáng tác, quảng bá các tác phẩm hội họa, thơ ca, nhạc kịch, các chương trình nghệ thuật chủ đề về Bác Hồ.
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội văn hóa đọc, trong đó, tổ chức các cuộc thi kể chuyện, sáng tác văn học, vẽ tranh chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Chúng em với Bác Hồ”…
Nhiều cuộc thi lớn như Cuộc thi báo chí với chủ đề “Bác Hồ với Vĩnh Phúc” (Hội Nhà báo tỉnh tổ chức), “Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc” (Sở VH-TT&DL tổ chức)… được tổ chức.
Trong đó, “Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức đã góp phần lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ và sự nghiệp cách mạng của Người cũng như thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc.
Để lan tỏa, phát huy hơn nữa giá trị không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Vĩnh Phúc không chỉ giới hạn ở những nơi Bác tới thăm, những di tích lịch sử văn hóa sẵn có mà các cấp ủy Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị cần quy hoạch, xây dựng thêm những công trình, mô hình không gian văn hóa gắn với cuộc đời, sự nghiệp, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.
Điều đó thể hiện nguyện vọng và tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Phúc dành cho Bác, đồng thời, cũng là cách giáo dục hiệu quả, làm cho “Văn hóa Hồ Chí Minh” thấm sâu vào tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm của mỗi thế hệ người dân, tạo nên sức mạnh to lớn, thúc đẩy việc học và làm theo Bác ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
BOX: Theo ông Nguyễn Huy Lê, đảng viên 67 năm tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Yên (cũ), nguyên cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy: “Là một người dân Vĩnh Phúc vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ, tôi cảm nhận sâu sắc rằng tình cảm, sự kính yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở những địa danh, vùng quê nơi Người đã tới mà tình cảm đó luôn in đậm trong trái tim của mọi thế hệ người dân Vĩnh Phúc.
Để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa về Bác Hồ, cùng với việc bảo tồn các di tích, địa điểm nơi Bác từng đến thì việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ có ý nghĩa rất quan trọng. Việc giáo dục có thể với nhiều hình thức khác nhau qua hình ảnh, hiện vật, câu chuyện, mô hình không gian văn hóa vật thể, phi vật thể… sẽ mang lại giá trị lớn lao để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn thân thế, sự nghiệp, sự hy sinh của Bác dành cho dân tộc, từ đó, có ý thức học tập, lao động xây dựng tỉnh nhà giàu có, phồn vinh như lời căn dặn của Người khi về thăm Vĩnh Phúc năm 1963”.
Phương Loan