Giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và địa phương góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho học sinh. Sở GDĐT đã tăng cường chỉ đạo các nhà trường chú trọng tích hợp nội dung giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và địa phương vào chương trình giảng dạy bộ môn Lịch sử và các hoạt động giáo dục; thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp dạy và học bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện.
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp giảng dạy nội dung lịch sử trong chương trình chính khóa tại các cấp học.
Chú trọng lồng ghép vào nội dung các môn học và hoạt động giáo dục; thường xuyên tổ chức các chương trình hoạt động ngoại khóa như tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng tại Bảo tàng, Văn miếu tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh; tổ chức chương trình “Theo dòng lịch sử” thông qua các buổi nói chuyện, tọa đàm có sự tham gia của các nhân chứng lịch sử; duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại các nhà trường…
Thông qua các hoạt động ngoại khóa đã tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương; giúp các em nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và địa phương.
Thông qua các buổi ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh, các em học sinh được bổ sung các kiến thức về lịch sử. Ảnh: Trường Khanh
Từ đó giúp học sinh bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh; tôn trọng, yêu quý, học tập và phấn đấu rèn luyện bản thân trở thành con ngoan, trò giỏi…
Nội dung giáo dục về lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và địa phương còn được các nhà trường tổ chức thông qua hoạt động kỷ niệm và tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và của tỉnh.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm đã góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng; tôn vinh công lao của các anh hùng, liệt sĩ, các bậc tiền bối cách mạng; thể hiện tình cảm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; khơi dậy và hun đúc lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình, tinh thần đại đoàn kết dân tộc vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, thi đua dạy tốt - học tốt của đông đảo giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên) cho biết: Lịch sử là môn học có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ. Thông qua môn học giúp học sinh hiểu biết về cội nguồn của dân tộc, giáo dục cho các em ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, nhận thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, Tổ bộ môn Sử - Địa - Ngoại ngữ đã chủ động xây dựng kế hoạch, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy nội dung môn Lịch sử phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng của học sinh.
Đông đảo các em học sinh tìm hiểu kiến thức lịch sử khi tham gia ngày hội đọc sách. Ảnh: Trường Khanh
Trong các giờ học Lịch sử, các thầy, cô đã chú trọng lồng ghép nội dung giảng dạy về lịch sử địa phương nhằm giáo dục tư tưởng, đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho học sinh. Nhóm giáo viên bộ môn Lịch sử luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh, giúp các em yêu thích môn học.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Lịch sử thông qua việc sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, khai thác hiệu quả các tranh ảnh, đồ dùng trực quan, phim tư liệu… làm cho giờ học trở lên sinh động, hấp dẫn, tăng sự tương tác giữa thầy và trò.
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tham quan tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng tại Bảo tàng, Văn miếu tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa; đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng chủ động, tích cực, phát huy tư duy, năng lực của học sinh trong quá trình học tập…
Thời gian tới, Sở GDĐT sẽ tăng cường chỉ đạo các nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành bộ môn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện.
Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc và địa phương vào các tiết học của môn Lịch sử. Thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và của tỉnh...
Ngô Tuấn Anh