Giỏi chuyên môn, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy... đó là những nhận xét của lãnh đạo, đồng nghiệp và học sinh khi nhắc tới cô Hà Thị Liên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, huyện Vĩnh Tường. Phương pháp giảng dạy của cô Liên đã khơi dậy niềm đam mê học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn Ngữ Văn của trường.
Là người dân tộc Cao Lan, sinh ra và lớn lên ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Liên đã có ý thức vươn lên trong học tập và ước mơ trở thành một cô giáo. Hoàn thành chương trình THPT, cô Liên thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Ngữ văn. Tốt nghiệp đại học năm 2010, cô Liên trở về quê hương, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
14 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", cô Liên luôn nỗ lực phát huy tinh thần nhiệt huyết và sáng tạo, tìm những phương pháp dạy học hiệu quả để khơi dậy niềm đam mê học tập của học sinh.
Cô giáo Hà Thị Liên thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn, tạo hứng thú và niềm đam mê văn học cho học sinh. Ảnh: Kim Ly
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” do Bộ GDĐT phát động, cô Liên áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm; quan tâm, tìm hiểu năng lực của từng học sinh để có phương pháp giảng dạy phù hợp; tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy; tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng… giúp học sinh hứng thú, chủ động học tập và phát triển tư duy.
Cô Liên chú trọng dạy kiến thức nâng cao, rèn kỹ năng làm đề thi đối với đội tuyển học sinh giỏi (HSG); hướng dẫn các em học sinh cuối cấp ôn tập đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Cùng với giảng dạy, cô Liên chú trọng đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Thay vì sử dụng các hình thức kiểm tra truyền thống, cô áp dụng nhiều cách đánh giá đa dạng như phiếu học tập, hồ sơ học tập, bảng kiểm, phiếu đánh giá đồng đẳng, giúp giáo viên có cái nhìn toàn diện về năng lực và sự tiến bộ của học sinh.
Trên cơ sở đó, cô Liên thực hiện nhiều sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Nổi bật là sáng kiến “Xây dựng công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát huy phẩm chất và năng lực qua dạy học truyện ngắn chương trình THPT” năm học 2021 - 2022 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Sáng kiến giúp giáo viên đánh giá toàn diện năng lực, sự tiến bộ trong quá trình học tập và khả năng vận dụng kiến thức trong các tình huống thực tiễn của học sinh; đồng thời kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy và học để đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất. Sáng kiến của cô Liên được Hội đồng sáng kiến tỉnh đánh giá cao và đề nghị nhân rộng trong toàn ngành GDĐT tỉnh.
Với những nỗ lực đó, chất lượng giáo dục môn Ngữ văn do cô Liên giảng dạy không ngừng nâng cao, đạt được nhiều thành tích. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt từ 94 - 100%; nhiều học sinh đoạt giải Nhất, Nhì tại các cuộc thi HSG cấp tỉnh
Ghi nhận tinh thần đổi mới, sáng tạo của cô Liên, năm học 2022 - 2023, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn, Tổng Chủ biên sách giáo khoa (SGK) Chương trình GDPT 2018 và PGS.TS Bùi Minh Đức, Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, tác giả viết SGK Ngữ văn bộ Cánh diều đã lựa chọn cô Liên dạy thực nghiệm.
Hai tiết dạy thực nghiệm của cô Liên là “Tạ Quang Bửu - Người thầy thông thái” và “Thực hành viết bài văn thuyết minh tổng hợp” (SGK Ngữ văn 11, bộ Cánh diều) đều nhận được sự khen ngợi, đánh giá tích cực từ PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, các chuyên gia đầu ngành và giáo viên nhiều tỉnh, thành phố; trong đó, bài dạy “Tạ Quang Bửu - Người thầy thông thái” là nguồn tư liệu tập huấn cho giáo viên Ngữ văn toàn quốc. Điều này đã khẳng định năng lực chuyên môn và tinh thần triển khai tích cực Chương trình GDPT mới của cô Liên cũng như dấu ấn về giáo viên Vĩnh Phúc đối với Bộ GDĐT.
Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô Liên đặc biệt chú trọng việc xây dựng môi trường học tập thân thiện và an toàn. Cô luôn lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ học sinh trong học tập, cuộc sống. Nhờ vậy, lớp của cô luôn đoàn kết, đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua. Phát huy tinh thần gương mẫu của đảng viên, cô Liên tích cực tham gia xây dựng Đảng; đồng thời tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp của người giáo viên.
Chia sẻ về công việc, cô Liên cho biết: “Dạy Ngữ văn là dạy học sinh cách hiểu tâm hồn, tính cách và lối sống của con người ở mọi thời đại, mọi nền văn hóa khác nhau thông qua ngôn từ, hình tượng nghệ thuật. Môn Ngữ văn có vai trò lớn trong việc giúp mỗi người hoàn thiện nhân cách. Tôi yêu văn học, say mê với công việc giảng dạy, vì vậy, tôi không ngừng đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy để học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn yêu thích Ngữ văn và hoàn thiện tâm hồn, nhân cách”.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân Phạm Thị Hòa cho biết: “Cô giáo Hà Thị Liên là một điển hình về tinh thần đổi mới và sáng tạo trong giảng dạy. Bằng tinh thần cầu tiến, không ngừng nỗ lực, cô Liên đã tạo dựng môi trường học tập tích cực cho học sinh.
Với những thành tích xuất sắc, nhiều năm qua, cô Liên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Bộ GDĐT tặng Bằng khen năm học 2020 - 2021.
Cô Liên đã truyền cảm hứng cho nhiều giáo viên khác và khẳng định vị trí của giáo dục trong việc phát triển con người toàn diện “Văn học là nhân học”, góp phần vào sự nghiệp “trồng người” cao quý, nuôi dưỡng những thế hệ tương lai”.
Minh Hường