Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Qua đó, góp phần đảm bảo ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Việc lưu mẫu thức ăn được Trường mầm non Liên Cơ, huyện Vĩnh Tường thực hiện nghiêm túc.
Xác định an ninh, ATTP là vấn đề cấp bách, lâu dài, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, thời gian qua, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn.
Việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở SXKD, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện.
Theo thống kê của BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh, năm 2023, Sở Y tế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với 110 cơ sở SXKD thực phẩm, bếp ăn tập thể, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với 4 cơ sở với tổng số tiền 45 triệu đồng.
Sở NN&PTNT thẩm định, cấp giấy chứng nhận ATTP cho 70/149 cơ sở SXKD nông - lâm - thủy sản; tổ chức kiểm tra ATTP đối với 120 cơ sở, phát hiện, xử phạt 3 cơ sở vi phạm với số tiền 16 triệu đồng; lấy 91 mẫu thực phẩm kiểm tra chất lượng theo hồ sơ công bố sản phẩm của cơ sở, kết quả 32 mẫu đảm bảo quy định, 59 mẫu chưa có kết quả phân tích.
Sở Công thương kiểm tra 35 cơ sở, trong đó phát hiện các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hết hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa, sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc và một số vi phạm khác.
Công an tỉnh phát hiện, xử lý 324 vụ vi phạm trong lĩnh vực ATTP, khởi tố 3 vụ sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 926 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 4,3 tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra 292 cơ sở SXKD thực phẩm, phát hiện, xử lý 60 trường hợp vi phạm ATTP, xử phạt gần 69 triệu đồng, buộc tiêu hủy số hàng hóa với tổng giá trị hơn 17 triệu đồng.
Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 14 người mắc, không có trường hợp diễn biến nặng và tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Để chủ động đáp ứng và kịp thời ứng phó với các tình huống ngộ độc thực phẩm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn.
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch; thực hiện các giải pháp dự phòng tích cực và chủ động, phát hiện kịp thời nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, năm 2023, các đơn vị chuyên môn đã lấy gần 1.450 mẫu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, 2.800 mẫu rau, củ, quả, giò, chả tại các cơ sở sản xuất, chế biến để giám sát các chỉ tiêu ATTP. Qua kiểm tra phát hiện 5 mẫu cá thương phẩm có hàm lượng chì và vi khuẩn vượt mức cho phép.
Ngành NN&PTNT đã hỗ trợ nông dân sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích gần 1.760 ha, hỗ trợ hơn 30 cơ sở áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất, chế biến nông sản; tiếp tục duy trì điều kiện sản xuất tại 8 vùng trồng an toàn đã được cấp mã số với tổng diện tích 73,4 ha; tích cực triển khai các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản sạch, phối hợp với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho các nông sản chất lượng.
Ban Giám hiệu Trường mầm non Liên Cơ, huyện Vĩnh Tường thường xuyên giám sát quy trình chế biến món ăn cho trẻ.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo đảm ATTP, kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức về ATTP để nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm ATTP bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, lấy mẫu giám sát chất lượng sản phẩm đối với các cơ sở SXKD thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo, hướng dẫn của BCĐ liên ngành Trung ương về ATTP năm 2024 và các quy định hiện hành.
Định kỳ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đặc biệt là trong các đợt cao điểm. Có hướng dẫn cụ thể và biện pháp quản lý về ATTP phù hợp đối với các vấn đề mới nổi như thương mại điện tử, kinh doanh thực phẩm online...
Củng cố hệ thống giám sát và tổ chức tốt các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và ô nhiễm thực phẩm; xây dựng và phát triển nguồn thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP các cấp…
Phấn đấu duy trì không có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể từ 30 người mắc/vụ trở lên trong năm 2024; khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.
Bài, ảnh: Minh Nguyệt