Vào dịp này những năm trước, người dân đi mua cây cảnh trưng Tết đã tấp nập phố phường. Thế nhưng năm nay khá vắng, thương lái chờ khách mua trong thấp thỏm. Những chủ hàng bán hoa, cây cảnh chỉ mong người dân đến ủng hộ mua hàng, để sớm về ăn Tết với gia đình khi thời khắc giao thừa đang ngày càng đến gần.
Sức mua giảm
Đa dạng về chủng loại, giá cả hợp lý nhưng trước ngày 30 Tết các chợ hoa, cây cảnh tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh vẫn khá ảm đảm vì sức mua giảm.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề, thời điểm này, tại khắp các địa phương trong tỉnh hoa cây cảnh phục vụ Tết dù đã được bày bán từ khá lâu với nhiều chủng loại dáng, thế đẹp mắt nhưng nhu cầu của người tiêu dùng lại chưa nhiều. Đến nay, sức mua có chiều hướng giảm so với mọi năm khiến các tiểu thương, hộ gia đình và cơ sở kinh doanh rơi vào trạng thái thấp thỏm lo âu.
Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường cây cảnh năm nay khá đa dạng, phong phú, giá cả phù hợp nên người dân sẽ dễ dàng hơn trong khâu lựa chọn. Bên cạnh mặt hàng truyền thống như đào, quất, mai, các loại hoa khác như lan, cúc, đỗ quyên, hoa hồng, hoa trà… cũng được nhiều cửa hàng bày bán.
Thời điểm này, các loại đào, quất và hoa lan vẫn là các loại hoa chính được bày bán. Giá bán tuỳ thuộc vào kích thước, thế dáng nhưng về cơ bản, giá cả không biến động nhiều so với mọi năm. Với các loại quất chum, quất thế sẽ có giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng/cây to; còn các loại quất để bàn, quất bé sẽ có giá từ 300 – 500 nghìn đồng/cây.
Đối với cành đào rừng cũng có giá dao động từ 250 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/cành; đào gốc từ 1 triệu đến trên 20 triệu đồng/gốc (tùy kích thước và loại cây); hoa mai có giá từ 400 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/cây; cúc mâm xôi từ 100 - 200 nghìn đồng/chậu; các loại lan từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng/chậu...
Sáng 30 Tết, dạo một vòng quanh các địa phương trong tỉnh, không khí mua sắm của người dân khá trầm lắng giữa cái lạnh giá, rét căm căm trong cơn mưa phùn dày hạt. 30 Tết năm nay, trời đổ mưa từ chiều 29 kéo theo rét đậm, việc mua bán ở chợ hoa vì vậy cũng thêm phần ảm đạm hơn. Lẫn trong những chậu quất, cành đào, cây mai là ánh mắt lo lắng của người nông dân, các tiểu thương bán hoa, cây cảnh vẫn mòn mỏi ngóng khách.
Thở dài thườn thượt nhìn dòng người tấp nập đi lại trên phố, chị Tâm - chủ cửa hàng bán quất cảnh tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương thở dài: "Chưa năm nào cây bán chậm như năm nay, thêm thời tiết mưa gió, rét như thế này lượng khách càng ít”.
Dù đã là ngày cuối cùng của năm, thời khắc giao thừa đã đến gần nhưng theo ghi nhận của phóng viên khoảng từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa cùng ngày, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh người dân đi mua hoa, cây cảnh rất ít. Không khí mua bán khá ảm đạm, khác xa so với những năm trước. Nhiều gian hàng không có khách, những người bán chỉ biết ngồi nhìn xa xăm, bấm điện thoại, nghe nhạc. Không ít người đứng đón khách, cố gắng mời mua nhưng cũng chẳng có mấy người quan tâm, hỏi giá. Theo một số chủ gian hàng bán hoa, cây cảnh, chưa năm nào họ gặp tình trạng như năm nay.
Vườn nhà chị Hoa xã Đức Bác, huyện Sông Lô năm nay trồng được hơn trăm gốc đào. Số đào cành chủ yếu đổ buôn ngay tại vườn nhưng cũng chẳng lời lãi bao nhiêu, bởi đợt rét đậm rét hại vừa qua khiến đào bị ảnh hưởng xấu. Họa may các cành đào dáng huyền được ưa chuộng còn vớt vát lại công chăm bón, vun trồng.
"Giá cả năm nay thấp, đã giảm từ 5-10% so với năm ngoái. Thế nhưng sức mua vẫn chậm hơn mọi năm. Có lẽ do kinh tế khó khăn nên người dân chi tiêu tiết kiệm” - chị Hoa ngao ngán thở dài.
Tiểu thương thấp thỏm
Sáng 30 Tết, nhiều cửa hàng vẫn ngập tràn hoa, cây cảnh vì không có người mua. Với không ít người buôn hoa cây cảnh Tết vẫn còn ở rất xa.
Vắng khách, dù đã hạ giá sập sàn nhưng hoa, cây cảnh tại chợ hoa khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh thành phố Vĩnh Yên vẫn khá ế ẩm, khiến nhiều tiểu thương "đứng ngồi không yên" vì lo lỗ vốn. Gần 11h trưa mà người bán thì nhiều mà người mua chẳng có mấy. Cúc, lan, mai, đào, quất… còn nhiều mênh mông.
Khá lạc quan dù tình hình đang rất ảm đạm, anh Nguyễn Văn Khánh, tiểu thương bày bán hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Nhiều người sống ở thành phố họ bận rộn lắm, không có thời gian nên đến ngày cuối họ mới bắt đầu đi mua hoa. Cũng không ít người có suy nghĩ, mua hoa ngày 30 Tết giá rẻ, về để được lâu. Bởi vậy, năm nào cũng vậy, “được thua” phải sau phiên chợ chiều 30 Tết mới nói được, chứ đến sáng 30 vẫn chưa nói lên điều gì”.
Thông báo giảm giá từ ngày 27 nhưng đến nay, gian hàng quất của chị Nhung tại phường Khai Quang thành phố Vĩnh Yên vẫn còn rất nhiều. Không phải chúng tôi bán đắt rồi đến ngày 30 lại hạ giá, mà năm nay thật sự vắng khách. Tôi cũng đã chủ động giảm giá từ ngày 27 Têt nhưng đến nay tình hình cũng không mấy khả quan vì khách vắng. Hi vọng từ giờ đến chiều khách sẽ đông hơn”-chị Nhung chia sẻ.
Ngày 30 Tết, ấy là thời điểm mọi người đã gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình. Nhưng đâu đó vẫn còn những nỗi lo lắng chất chồng của những người bán hoa. Họ sốt ruột với "canh bạc" của mình, bởi số lượng hoa nhập thì nhiều, nếu không bán được hết hoa trong ngày 30 Tết, có nghĩa họ không có Tết. "Tết đến, xuân về ai cũng mong được ấm no. Chỉ mong trời thương, bán hết sớm, không phải chịu cảnh chợ chiều 30 Tết phải bán thốc bán tháo với giá rẻ mạt" - anh Nguyễn Văn Thành - lái buôn quất tại Quảng trường Hồ Chí Minh thành phố Vĩnh Yên mong mỏi.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ