Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, ATTP, triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển nguồn thực phẩm an toàn, bền vững.
Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra và xử lý hơn 11.000 chai mật ong các loại là hàng giả, không đảm bảo ATTP. Ảnh: Nguyễn Lượng.
Triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, ATTP của UBND tỉnh, năm 2023, Sở Y tế đã thực hiện thanh, kiểm tra, hậu kiểm đối với 110 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) thực phẩm, bếp ăn tập thể, phát hiện và xử lý vi phạm về ATTP đối với 4 cơ sở với tổng số tiền 45 triệu đồng.
Sở NN&PTNT đã thẩm định, cấp giấy chứng nhận ATTP cho 70/149 cơ sở SXKD nông - lâm - thủy sản; tổ chức kiểm tra ATTP đối với 120 cơ sở, phát hiện, xử lý 3 cơ sở vi phạm 16 triệu đồng; lấy hơn 90 mẫu thực phẩm kiểm tra chất lượng theo hồ sơ công bố sản phẩm của cơ sở.
Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát ATTP đối với các làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông công khai các cơ sở SXKD vi phạm quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực hiện công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP theo ngành, lĩnh vực quản lý, năm 2023, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 320 vụ vi phạm trong lĩnh vực ATTP, khởi tố 3 vụ án về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về lương thực, thực phẩm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 926 triệu đồng, buộc thiêu hủy gần 4,3 tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra hơn 290 cơ sở SXKD thực phẩm, phát hiện, xử lý 60 trường hợp vi phạm ATTP, xử phạt vi phạm hành chính gần 69 triệu đồng, buộc thiêu hủy số hàng hóa với tổng giá trị hơn 17 triệu đồng.
Triển khai công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm và giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, các sở, ngành, địa phương chủ động kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát, bảo đảm an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, năm 2023, các đơn vị chuyên môn đã lấy gần 1.450 mẫu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, 2.800 mẫu rau, củ, quả, giò, chả tại các cơ sở sản xuất, chế biến để giám sát các chỉ tiêu ATTP, qua kiểm tra phát hiện 5 mẫu cá thương phẩm có hàm lượng chì và vi khuẩn vượt mức cho phép, yêu cầu các cơ sở khẩn trương khắc phục.
Để phát triển nguồn thực phẩm an toàn, năm 2023, ngành Nông nghiệp đã triển khai hỗ trợ sản xuất gần 1.760 ha rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP, hỗ trợ hơn 30 cơ sở áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất, chế biến nông sản; tiếp tục duy trì điều kiện sản xuất tại 8 vùng trồng an toàn đã được cấp mã số với tổng diện tích 73,4 ha.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai các chương trình liên kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản sạch, phối hợp với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho các nông sản chất lượng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000 cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm, tuy nhiên, chỉ hơn 650 cơ sở SXKD thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Hiện nay, việc triển khai các quy định ATTP gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về hành lang pháp lý, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng các vụ việc vi phạm về ATTP có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý.
Tình trạng SXKD thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở SXKD thực phẩm, đảm bảo sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.
Thực hiện công tác đảm bảo an ninh, ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, ATTP năm 2024, trước mắt đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở, người lao động tại các cơ sở SXKD thực phẩm và người dân; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP; nâng cao năng lực phòng chống, kịp thời xử lý ngộ độc thực phẩm, bảo đảm thực hiện tốt công tác kiểm nghiệm ATTP đáp ứng tình hình mới.
Hoàng Sơn