Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, tỉnh đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển văn hóa; đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội.
Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người
Kế thừa truyền thống của quê hương cách mạng, sau 26 năm tái lập (1997-2023), các thế hệ cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao để xây dựng Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những địa phương phát triển hàng đầu của cả nước. Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc ban hành các chủ trương, chính sách để phát triển văn hóa.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về thực sự coi văn hóa là “mục tiêu, động lực phát triển”, năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững với mục tiêu “Phát triển văn hóa Vĩnh Phúc ngang tầm với phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Cán bộ phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên tuyên truyền người dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa trong đời sống hằng ngày. Ảnh: Kim Ly
Tỉnh đã lựa chọn lĩnh vực phát triển văn hóa, con người để xây dựng nghị quyết chuyên đề và làm động lực mới cho sự phát triển. Mục tiêu của phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện của nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, mang phẩm chất con người Việt Nam, đồng thời phát huy những đặc điểm nổi trội của con người Vĩnh Phúc “Tiên phong - sáng tạo - khát vọng - đổi mới”. Từ đó, từng bước xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh
Môi trường văn hóa lành mạnh tạo tiền đề để xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp, hướng tới mục tiêu xây dựng mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, cộng đồng là một môi trường văn hóa lành mạnh.
Việc xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”… góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách con người; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với cộng đồng, xã hội ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã đi vào nền nếp.
Lễ hội Rước nước đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường được tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm, đúng nghi lễ truyền thống. Ảnh: Kim Ly
Lễ cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, chấp hành đúng Luật Hôn nhân và gia đình, các quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán của địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Lễ tang được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa vùng, miền, dân tộc, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ. Tỷ lệ gia đình có người qua đời sử dụng hình thức hỏa táng ngày càng tăng lên. Các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm, đúng nghi lễ truyền thống.
Môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú còn được thể hiện qua hoạt động văn hóa ở cộng đồng. Ngành VH-TT&DL đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ở cơ sở như thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa-văn nghệ (VHVN), thể dục-thể thao (TDTT); phát huy công năng các thiết chế văn hóa bảo tàng, thư viện, khơi dậy văn hóa đọc, giáo dục truyền thống lịch sử; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở các thôn, làng, tổ dân phố; tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động từ thiện, nhân đạo; phê phán và đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan.
Năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 92%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa ước đạt 93%. Tỷ lệ gia đình có người qua đời sử dụng hình thức hỏa táng đạt 62%. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 91%. Hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phong trào VHVN, TDTT phát triển sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Toàn tỉnh đã phát triển, nhân rộng hơn 2.700 CLB thể thao, hàng nghìn CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ duy trì hoạt động thường xuyên.
Triển khai phong trào xây dựng “Cơ quan văn hóa”, 100% cơ quan từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nội quy, quy chế văn hóa công sở phù hợp với điều kiện, đặc thù chuyên môn và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trong giao tiếp với người dân, công chức, viên chức luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân.
Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc, không hút thuốc lá nơi công sở, không uống rượu bia trong ngày làm việc, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân được đẩy mạnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, có trách nhiệm cho cộng đồng, xã hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Nghiên, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL cho biết: "Với việc triển khai đồng loạt các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”… đã góp phần xây dựng nên một cộng đồng văn hóa. Trong cộng đồng ấy, các giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội được đề cao; mỗi người dân nêu cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương nơi cư trú; sống yêu thương, chan hòa, giao tiếp, ứng xử có văn hóa, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo nghĩa xã hội".
Bạch Nga