Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai sâu rộng, hiệu quả, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư từ cơ sở tạo điều kiện để phong trào thể dục - thể thao quần chúng phát triển. Ảnh: Trà Hương
Với mục tiêu làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từ năm 2000, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai với nhiều nội dung phong phú, toàn diện, có tác động sâu sắc đến đời sống xã hội như giúp nhau xóa đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…
Để phong trào đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, trên cơ sở kế hoạch triển khai phong trào theo từng giai đoạn và hằng năm của tỉnh, các sở, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể đã xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời gắn triển khai phong trào với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Việc đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định, tạo phong trào thi đua sôi nổi tại các địa phương.
Công tác tuyên truyền về phong trào được quan tâm đẩy mạnh, từng bước nâng cao nhận thức, sự tham gia tích cực của nhân dân. Cụ thể hóa các nội dung của phong trào, các đơn vị, địa phương, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả.
Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Hội Phụ nữ gắn việc thực hiện phong trào với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”...
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở các địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển mạnh mẽ; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được duy trì tổ chức tốt; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích văn hóa - lịch sử được quan tâm; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ và phát huy; nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp...
Toàn tỉnh hiện có 9/9 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện bảo đảm theo quy định; 136/136 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, hội trường từ 250 chỗ ngồi trở lên, trong đó có 105 xã nông thôn mới có trung tâm văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định 14.000 m2 trở lên; 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định, diện tích bảo đảm từ 800 m2 trở lên, có các công trình như nhà văn hóa thôn, sân tập luyện thể thao đơn giản, thiết bị hoạt động bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; 28 khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu…
Thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời cho trung tâm văn hóa, thể thao của các xã, phường, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố, đến nay, toàn tỉnh có 125/136 xã, phường, thị trấn và 1.105/1.237 thôn, tổ dân phố đã lắp đặt xong thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 160 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 1,2 tỷ đồng…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Ảnh: Trà Hương
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có gần 94% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; gần 98% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; hơn 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm, triển khai đồng bộ, kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến hết năm 2023 còn 0,61%.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, hiệu quả góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao mức thụ hưởng, đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Thông qua phong trào, các yếu tố văn hóa và nhân tố con người được khai thác, phát huy, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước; khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo, nguồn lực nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng đời sống văn hóa.
Phát huy kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động nhân dân tham gia phong trào; nâng cao chất lượng bình chọn, xét tặng các danh hiệu văn hóa, đảm bảo thực chất, tạo sức lan tỏa trong nhân dân; quan tâm hoàn thiện cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa và đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở cơ sở.
Tăng cường kiểm tra triển khai phong trào, việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; khen thưởng, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"…
Lê Mơ