(Tham luận của Báo Bắc Ninh tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28 năm 2023)
Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh, Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Song hành với đẩy mạnh phát triển công nghiệp hiện đại, tỉnh Bắc Ninh hết sức coi trọng đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về “Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM)”, gắn xây dựng NTM hài hòa với phát triển công nghiệp, đô thị, theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 về Tam nông là “Tam nông là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bắc Ninh lên vị thế mới, với nhiều chỉ tiêu KT-XH đứng trong tốp dẫn đầu của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân GRDP giai đoạn 2020-2022 đạt 6,71%; quy mô GRDP năm 2022 đứng thứ 9 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3; tổng thu ngân sách đứng thứ 14; kim ngạch xuất, nhập khẩu đứng thứ 2; thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 6 cả nước…
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được nhân rộng ở Bắc Ninh.
Tỉnh Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất cả nước với 823,1 km², có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 5 huyện; 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Đây được xem là điều kiện thuận lợi, nhưng cũng không ít những khó khăn cho chương trình xây dựng NTM của địa phương. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, có ít nhất 2 huyện và 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); phấn đấu có ít nhất 50 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu. Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 25/11/2022 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đồng hành trong chặng đường 15 xây dựng NTM, Báo Bắc Ninh luôn làm tốt vai trò, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, là cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trong tỉnh. Tờ báo đã trở thành tấm gương phản chiếu một cách sinh động quá trình xây dựng từ NTM, tới NTM nâng cao. Báo Bắc Ninh luôn bám sát định hướng tuyên truyền Chương trình MTQG về xây dựng NTM phù hợp với từng giai đoạn và đặc thù của một tỉnh công nghiệp, không bị “lỡ nhịp” với xu hướng toàn cầu hóa.
Ban Biên tập đã giao các phòng chức năng xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về xây dựng NTM; cử phóng viên chuyên trách bám sát ngành, lĩnh vực. Bình quân mỗi tháng có 2 chuyên mục và 1 chuyên trang về xây dựng NTM. Thông qua cách thể hiện đa dạng, sinh động theo hướng đa phương tiện đã đưa ra cái nhìn đa chiều kinh tế- xã hội các khu vực nông thôn một cách khách quan, vừa cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, vừa đáp ứng xu thế chung, cũng như đòi hỏi từ thực tiễn. Vận động, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân thực hiện Chương trình, chú trọng tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, các cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng NTM, NTM nâng cao ở cơ sở; phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình, giúp chính quyền cấp trên, cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Qua đó tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Báo Bắc Ninh đã phát huy được thế mạnh trong tuyên truyền, cổ vũ, động viên các cấp, ngành, địa phương khai thác các nguồn lực đầu tư của địa phương, nhân dân cũng như sử dụng các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để xây dựng NTM trong tỉnh công nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đi vào chiều sâu, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân, giúp họ xác định rõ hơn vai trò chủ thể của mình trong việc bàn và quyết định các nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Cùng với đó, các nội dung tuyên truyền về công tác tập huấn được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực. Phản ánh về các hoạt động của các ngành, các địa phương cũng như nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình trên địa bàn tỉnh trong công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Nhờ tuyên truyền, vận động một cách thường xuyên với những cách làm sáng tạo, mới mẻ, hấp dẫn, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi, huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Diện mạo nông thôn Bắc Ninh hôm nay.
Đến nay, Bắc Ninh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 9 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có tổng số 93 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, 34 sản phẩm đạt 3 sao, 59 sản phẩm đạt 4 sao... Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao; nhận thức về NTM được tăng cường. Hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm và ở mức thấp (1,06%). Sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM đạt tỷ lệ cao. Kết quả lấy ý kiến người dân đối với việc công nhận xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM đều đạt trên 90%.
Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng NTM, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm dần. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; công nghiệp, dịch vụ nông thôn tiếp tục phát triển đa dạng. Nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Từ những kết quả thực tiễn trong công tác tuyên truyền, Báo Bắc Ninh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình hành động 04/CTr-TU ngày 20/11/2020 của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng NTM, để kịp thời nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân nhân
Hai là, xây dựng các chương trình tuyên truyền định kỳ hàng tháng, hàng quý, trong đó gắn với đặc thù, điều kiện của từng địa phương và xu hướng phát triển chung của tỉnh, đất nước. Nêu gương các tổ chức, cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng NTM; phản ánh, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội.
Ba là, phân công trách nhiệm cụ thể cho bộ phận chuyên trách, bám sát ngành, các địa phương kịp thời tuyên truyền quá trình triển khai Chương trình từ cơ sở. Nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở từng địa phương; phát huy cao các nguồn lực tại chỗ. Hàng tháng, hàng quý có đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng, kịp thời động viên cán bộ, phóng viên tích cực đào sâu suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo tác phẩm.
Bốn là, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM là yếu tố quyết định cho sự thành công của Chương trình.
Năm là, thường xuyên tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành. Hội Nhà Báo Bắc Ninh phát động cuộc thi viết với chủ đề “Bắc Ninh chung tay xây dựng NTM”, khuyến khích cán bộ, phóng viên, cộng tác viên tham gia viết tin, bài, quảng bá tạo sức lan tỏa của Chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành. Tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng, tạo niềm tin vào Chương trình.
Quán triệt quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian tới, Báo Bắc Ninh tăng cường chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền về xây dựng NTM nâng cao cụ thể từng tháng, từng quý. Tập trung tuyên truyền về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là tập trung khai thác các thế mạnh về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp nghỉ dưỡng, tập trung vào du lịch nông thôn, bảo tồn văn hóa và cảnh quan truyền thống… Đồng thời, chuyển giao một số chức năng của đô thị cho nông thôn để chủ động đô thị hóa nông thôn hài hòa. Phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Bắc Ninh có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 50% số xã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); ít nhất 50 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; công nhận ít nhất 200 sản p hẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên…