(Tham luận của Báo Bắc Giang tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28, năm 2023)
Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi thuộc vùng Đông Bắc, cửa ngõ giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng; tỉnh có diện tích tự nhiên 3.895,6km2, có 9 huyện và 1 thành phố, dân số khoảng 1,8 triệu người với 37 thành phần dân tộc, 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, 203 xã triển khai xây dựng NTM. Từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, tỉnh Bắc Giang có thuận lợi là 1 trong 11 địa phương được Ban Bí thư chỉ đạo làm điểm. Mặc dù những năm đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn, song với nhiều cách làm sáng tạo, nỗ lực và quyết tâm cao trong thực hiện kế hoạch, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đạt kết quả toàn diện, đi vào chiều sâu, duy trì đứng tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Báo Bắc Giang hiện có Ban Biên tập, 5 phòng (Hành chính - Trị sự; Thư ký tòa soạn; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội; Xây dựng Đảng - Nội chính) và Nhà in, với 57 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó, Nhà in 22 đồng chí, là đơn vị tự chủ, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng. Báo in 4 mầu, xuất bản 6 kỳ báo in/tuần (báo thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu 8 trang; báo cuối tuần phát hành ngày thứ Bảy 12 trang) và báo cuối tháng (1 kỳ/tháng) phát hành bình quân 15.000 tờ/kỳ. Báo điện tử phát hành 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Trung Quốc. Năm 2022 có hơn 15 triệu lượt truy cập, từ đầu năm 2023 đến nay có hơn 8,1 triệu lượt truy cập. Qua đánh giá, Báo Bắc Giang điện tử xếp thứ 6 báo Đảng các tỉnh, thành phố có lượng bạn đọc cao nhất cả nước.
Chương trình xây dựng NTM được cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị của tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, nhiều cơ chế chính sách được ban hành đã phát huy hiệu quả. Tỉnh đã huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng, tác động tích cực đến đời sống người dân và diện mạo nông thôn, hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư, nâng cấp. Để triển khai thực hiện, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14/7/2011 về NTM. Điều này thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với khu vực “tam nông”. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết, có lộ trình thực hiện trong từng giai đoạn 5 năm, hàng năm phát động phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM” huy động các nguồn lực tham gia; trên cơ sở đó, các huyện, thành phố cũng ban hành Nghị quyết, xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, kế hoạch và phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM.
Nông dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều.
Trong tổ chức thực hiện, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế để huy động nguồn lực xã hội hóa. Cùng với nguồn vốn của trung ương, tỉnh, các huyện đều dành ngân sách, thực hiện lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn để tăng nguồn lực cho các xã, huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp và nguồn vốn tín dụng để thực hiện Chương trình; nhiều chính sách đã phát huy nội lực lớn trong nhân dân.
Đặc biệt, ngày 13/7/2017 HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh đã tạo “cú hích” đột phá cứng hóa đường nông thôn tại các địa phương. Bên cạnh cơ chế chính sách của T.Ư, của tỉnh, mỗi huyện đều chủ động ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện chương trình, bố trí ngân sách huyện hỗ trợ các xã thực hiện xây dựng NTM năm 2021-2023. Đến tháng 6/2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 6/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 148/182 xã NTM; 42 xã NTM nâng cao; 1 xã NTM kiểu mẫu; 241 thôn NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã.
Xuyên suốt quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Bắc Giang nhất quán tinh thần “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện. Căn cứ tình hình thực tiễn từng giai đoạn, trên cơ sở các nghị quyết, chỉ đạo của tỉnh, Báo Bắc Giang đưa ra giải pháp tuyên truyền phù hợp.
Cụ thể, giai đoạn 2010-2015: Tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết và kế hoạch 5 năm, hàng năm thực hiện Chương trình, phát động phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM”; các huyện, thành phố cũng ban hành Nghị quyết, xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, kế hoạch và phát động phong trào thi đua xây dựng NTM của địa phương để thực hiện Nghị quyết. Bắc Giang lựa chọn 40 xã chỉ đạo điểm để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM. Bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) sớm được thành lập với quy chế hoạt động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách đã góp phần thực hiện Chương trình đạt hiệu quả hơn.
Giai đoạn 2016 đến nay: Trên cơ sở tổng kết giai đoạn trước, từ tỉnh đến cơ sở đã có sự tập trung hơn. Tỉnh tiếp tục phát động phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM”; chỉ đạo các xã triển khai xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, giao cụ thể số xã đạt chuẩn và số tiêu chí bình quân tăng thêm hàng năm; các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm. Trên cơ sở đó, Báo Bắc Giang tập trung tuyên truyền quan điểm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở nhằm thay đổi mạnh mẽ, theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng của Chương trình. Trước đây chủ yếu tập trung đầu tư vào xây dựng các công trình lớn của xã, thì trong giai đoạn này chuyển sang chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân, nâng cao chất lượng Chương trình như: Cứng hóa đường giao thông thôn, xóm; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; triển khai thôn NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao... Năm 2020, tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Bắc Giang được đánh giá dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Thôn NTM ở huyện Yên Dũng.
Quyết tâm chính trị của tỉnh cùng những kết quả trên trong thực hiện NTM tại Bắc Giang đã được Báo Bắc Giang phản ánh kịp thời, sát thực, có nhiều sáng kiến được đưa vào thực tiễn. Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh uỷ và tình hình thực tế, Ban Biên tập đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực “tam nông” mà các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, xác định lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM là một nội dung quan trọng, Báo Bắc Giang đã dành dung lượng đáng kể cho tuyên truyền về các lĩnh vực này, mở nhiều chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn, có nhiều chuyên đề, tác phẩm chuyên sâu. Hằng năm, Ban Biên tập còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Văn phòng Điều phối NTM tỉnh xây dựng kế hoạch, chủ động nắm bắt thông tin, từ đó chỉ đạo tổ chức tuyên truyền bảo đảm sát thực và hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, hằng năm Báo Bắc Giang phát động cuộc thi viết “Nghị quyết của Đảng và cuộc sống hôm nay” tạo “sân chơi” cho đông đảo phóng viên, cộng tác viên tham gia, qua đó đóng góp nhiều tác phẩm hấp dẫn về “tam nông”, xây dựng NTM trên báo, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM của tỉnh.
Với những biện pháp đó, mỗi năm Báo Bắc Giang tuyên truyền hàng trăm tác phẩm, tổ chức hàng chục trang chuyên đề, chuyên mục. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực NTM trên địa bàn tỉnh. Ban Biên tập Báo Bắc Giang còn khích lệ các phóng viên, cộng tác viên, cán bộ công chức trong tỉnh viết về NTM nhằm tạo ra sự đa dạng, phong phú về nội dung và cách thể hiện. Ngoài ấn phẩm báo hằng ngày, Báo Bắc Giang còn chú trọng khai thác lợi thế của Báo Bắc Giang điện tử, Bắc Giang cuối tháng, Báo Bắc Giang tiếng Trung Quốc, tiếng Anh trong tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM.
Các tác phẩm viết về NTM trên Báo Bắc Giang luôn là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm. Đó là những cách làm hiệu quả, tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn; xây dựng công trình công cộng, vệ sinh môi trường, công tác giảm nghèo; xây dựng vùng vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia; phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao; nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; phong trào làm đẹp cảnh quan nông thôn, phát triển du lịch sinh thái... Bên cạnh biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng NTM nhằm cổ vũ, khích lệ và nhân rộng, Báo Bắc Giang cũng có những loạt bài phản ánh khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM.
Ngoài tổ chức tuyên truyền trên mặt báo, sau khi phối hợp giúp đỡ 2 xã Tam Tiến (Yên Thế) và Vĩnh Khương (Sơn Động) thoát nghèo, xây dựng NTM. Cùng với đó, Báo Bắc Giang còn phối hợp với một số cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp giúp đỡ xã Hương Vỹ (Yên Thế) - xã điểm xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2011-2015; giúp xã Tân Thanh (Lạng Giang) xây dựng NTM giai đạn 2016-2020, hiện nay giúp đỡ xã Phong Vân (Lục Ngạn) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Bước đầu đã hỗ trợ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, tặng nhà tình nghĩa, tặng quà dịp lễ, Tết cho hộ nghèo, tặng học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Cán bộ, phóng viên Báo Bắc Giang còn phát động quyên góp, thực hiện chương trình “1.000 cuốn sách tặng trẻ em xã Phong Vân” lan tỏa tính nhân văn sâu sắc.
Với phương thức và nội dung tuyên truyền nêu trên, Báo Bắc Giang đã góp phần quan trọng cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành xây dựng NTM, thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển KT-XH trong từng giai đoạn.
Tại hội thảo lần này, Báo Bắc Giang xin nêu một số kinh nghiệm để trao đổi, chia sẻ cùng các đại biểu và mong muốn học tập, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý của các đồng nghiệp trong tuyên truyền về xây dựng NTM.
Một là: Để công tác tuyên truyền NTM có hiệu quả cần bám sát các chủ trương, biện pháp chỉ đạo về định hướng của T.Ư và của tỉnh; thường xuyên tuyên truyền với nhiều hình thức và thể loại phong phú để mọi người dân, các doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng NTM.
Hai là: Trong quá trình thực hiện chú trọng các chuyên đề sâu có tính kiến giải, chỉ đạo, định hướng, tổng kết thực tiễn, từ đó tham mưu với tỉnh chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời, hiệu quả. Đa dạng hình thức tuyên truyền, nhất là trên báo điện tử để thu hút bạn đọc quan tâm, đưa chương trình xây dựng NTM vào cuộc sống nhanh hơn.
Ba là: Chỉ đạo và phân công các bộ phận nghiệp vụ chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên đề, chuyên mục theo từng thời điểm thích hợp; kết hợp giữa biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến với phê phán, chỉ rõ những hạn chế khuyết điểm trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục.
Bốn là: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Đây là cơ sở để có những bài viết chất lượng cao, phân tích, lý giải sâu sắc đặc thù của ngành, từ đó phát huy vai trò phản biện, định hướng của báo chí.
Năm là: Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tinh thông nghiệp vụ. Đặc biệt là am hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Quan tâm tổ chức mạng lưới cộng tác viên là những nhà nghiên cứu, chuyên gia am hiểu về lĩnh vực chuyên ngành, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp với các địa phương để nắm chắc tình hình thực tế, từ đó đưa ra những phương án tuyên truyền hiệu quả.
Sáu là: Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dài hạn, ngắn hạn về báo chí, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm chuyên môn hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và kịp thời khen thưởng tác phẩm có chất lượng tốt.