(Tham luận của Báo Bắc Kạn tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28, năm 2023)
Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Bộ, diện tích đất tự nhiên hơn 4.800km², dân số khoảng 323.000 người, gồm 7 dân tộc anh em là Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%; tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 7 huyện, được phân chia thành 108 đơn vị hành chính cấp xã với 6 phường, 7 thị trấn và 95 xã.
Tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, nông, lâm nghiệp và du lịch. Cơ cấu kinh tế của tỉnh gồm: Khu vực nông lâm nghiệp chiếm 42%, khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 14,2% và khu vực dịch vụ chiếm 43,8%. Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2022, tỉnh Bắc Kạn xếp ở vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành.
Năm 2010, bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Kạn gặp khó khăn về mọi mặt do xuất phát điểm của các xã rất thấp (100% xã đạt dưới 7 tiêu chí, số tiêu chí bình quân đạt 2,98 tiêu chí/xã); nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ; tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp...
Tuy nhiên, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên chính là điều kiện tiên quyết để lan tỏa, tạo nên sức mạnh tổng lực trong xây dựng NTM. Cấp ủy nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, bám sát điều kiện thực tế của địa phương mình để hoàn thành các tiêu chí NTM, NTM nâng cao. Nhờ đó, phong trào xây dựng NTM đã thực sự đi vào lòng dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, qua đó tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTM trên toàn tỉnh.
Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ đường xã, đường từ trung tâm xã, đường huyện được nhựa hóa chiếm 84,88%; cứng hóa được 56,76% đường thôn, liên thôn; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 97%; có 107 trường học đạt chuẩn quốc gia; 54 nhà văn hóa xã và 553 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 46 xã đạt tiêu chí về giao thông; 75 xã đạt tiêu chí điện; 75 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Số tiêu chí NTM bình quân toàn tỉnh đạt 12,45 tiêu chí/xã; số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 7,8 tiêu chí/xã... Có được kết quả này, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước là sự đóng góp rất to lớn của Nhân dân, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã hiến hơn 479.600m2 đất; đóng góp bằng tiền mặt hơn 25 tỷ đồng; góp ngày công lao động và hiện vật hơn 215 tỷ đồng.
Riêng đối với Báo Bắc Kạn, những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, đơn vị còn triển khai giúp đỡ xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn trong xây dựng NTM theo kế hoạch phân công của Tỉnh ủy về giúp đỡ một xã khó khăn trong xây dựng NTM. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Báo Bắc Kạn đã hỗ trợ cấp phát miễn phí khoảng 32.000 tờ báo in cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản của xã; thực hiện 2 công trình bê tông đường ngõ xóm, 1 công trình công cộng sân trường mần non, 1 sân khấu ngoài trời; làm 1 nhà ở cho hộ gia đình đặc biệt khó khăn; 2 công trình đường điện thắp sáng… với tổng kinh phí thực hiện hàng trăm triệu đồng. Qua đó, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu về đích NTM vào năm 2023.
Đồng hành cùng tỉnh chung sức xây dựng NTM, Báo Bắc Kạn đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, cùng các sở, ngành liên quan tập trung tuyên truyền về các chỉ thị, nghị quyết, văn bản từ Trung ương đến tỉnh. Trong đó, chú trọng phản ánh các phong trào, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện xây dựng NTM, đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong xây dựng NTM. Báo đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM Bắc Kạn mở các chuyên mục tuyên truyền về xây dựng NTM trên Báo in, Báo điện tử Bắc Kạn, định kì mỗi tháng 2 chuyên mục/loại hình, tập trung vào các phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”; nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM… Qua các bài viết đã tạo được sự lan tỏa đến các địa phương, cơ sở, từ đó khơi dậy mạnh mẽ phong trào xây dựng NTM trên địa bàn.
Để tiếp tục cùng các báo Đảng địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng NTM, đặc biệt là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong xây dựng NTM, Báo Bắc Kạn đưa ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thúc đẩy thay đổi nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM. Xác định trọng tâm, trọng điểm thực hiện các tiêu chí, giao chỉ tiêu có phân công cụ thể trong thực hiện; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng NTM.
Thứ hai, tuyên truyền về các mô hình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền phù hợp với thực tế ở địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới”, "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”…v.v.
Thứ ba, tuyên truyền phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Đảng, HĐND, giám sát của người dân, đặc biệt sự vào cuộc của người dân trong quá trình xây dựng NTM; tuyên truyền sâu đậm đối với các địa phương, người đứng đầu cấp ủy cùng các tổ chức phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu thực hiện hiệu quả các phong trào xây dựng NTM.
Thứ tư, tuyên truyền về vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng NTM, vì quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng"; thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, dân tộc nhằm tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ năm, thường xuyên phản ánh quá trình triển khai thực hiện các chính sách hiện hành về xây dựng NTM, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án chuyên đề trọng tâm theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong xây dựng NTM…/.