Trên địa bàn tỉnh có 1265 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh với nhiều loại hình phong phú: đình, đền, chùa, am, miếu, tháp, nhà thờ họ, nhà thờ công giáo, di tích lịch sử - cách mạng, di tích khảo cổ… Trong đó có 65 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 291 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh. Nhiều di tích ẩn chứa những giá trị văn hóa – lịch sử độc đáo như: Tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô), khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo), Cụm đình Hương Canh – chùa Kính Phúc (Bình Xuyên), Đình Thổ Tang (Vĩnh Tường), Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyễn Hãn (Lập Thạch), Khu di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu (Yên Lạc)… Tìm hiểu sâu về lịch sử của từng di tích sẽ thấy rõ tính sáng tạo, tính đặc thù về trình độ và khả năng tư duy của con người qua từng giai đoạn lịch sử qua các kiểu dáng, loại hình. Những công trình mang đậm yếu tố tâm linh tín ngưỡng, đậm chất linh thiêng của cả một cộng đồng và thấm sâu đến từng người trong quá trình hưng công, góp công, góp của cho đến khi công trình hoàn thành. Qua hàng ngàn năm, yếu tố thiêng liêng nơi thờ tự đã luôn được giữ vững và tồn tại sâu đậm trong mỗi con người. Thực tế, hệ thống di tích ở Vĩnh Phúc có niên đại xây dựng sớm nhất như: khu danh thắng Tây Thiên, khởi nguồn xây dựng từ thời Lý Trần (thế kỷ XII – XIII), tháp Bình Sơn hoặc tấm bia đá thời Lý ở chùa Cấm (Phúc Yên). Các giá trị văn hóa – lịch sử của các di tích đã trường tồn cùng với thời gian và mỗi con người. Di tích Tháp Bình Sơn thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô được coi là tháp cao nhất, còn tương đối nguyên vẹn và là một trong những di tích điển hình của Vĩnh Phúc. Theo sử sách, khi xây dựng, tháp có 15 tầng, đến nay chỉ còn 11 tầng, trên đỉnh có chòm hình búp sen tạo dáng vút lên trời xanh. Theo một số nhà khoa học thì đây chính là tháp thờ Bích chi Phật hay Duyên Giác Phật, gắn với người đạt được quả do mình chứng ngộ, sau thời Thích Ca Mâu Ni. Nghệ thuật trang trí ở thân tháp là những hoa văn, những cánh hoa cúc hình dấu phảy khắc nổi và chìm, những hàng diềm hình lá sòi, hình cánh sen ngăn cách giữa các tầng khiến cho mỗi tầng tháp như một tòa sen. Ngoài ra còn có hình rồng, hình sư tử cũng được trang trí cầu kỳ, sắc nét… Ngoài các giá trị văn hóa – lịch sử, các di tích còn chứa đựng giá trị kiến trúc, nghệ thuật. Điều này được thể hiện qua những chạm khắc gỗ với những chủ đề truyền thống liên quan tới các linh vật tượng trưng cho sự cao thượng, trường tồn là : Long (rồng), Ly (nghê), Quy (rùa), Phượng (chim)… hay những tác phẩm điêu khắc thể hiện các góc độ về đời sống sinh hoạt, sản xuất, các trò chơi, phong tục, lễ hội qua bút pháp nghệ thuật rất nhẹ nhàng, ý tứ mà rất sâu xa ý nghĩa nhân văn sâu sắc đậm nét văn hóa của cư dân vùng trung du – đồng bằng đặc thù ở Vĩnh Phúc. Đến những di tích vẫn còn lưu lại các tác phẩm đục chạm, chủ yếu bằng gỗ: cảnh đánh cờ, thưởng tửu ở đình Thổ Tang; cảnh đi săn, đấu vật, bơi chải ở đình Hương Canh, Ngọc Canh… Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử và thời gian, các di tích đã bị xuống cấp, thậm chí một số di tích bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Hiện nay, theo thống kê của Sở VH-TT&DL, 31/65 di tích cấp Quốc gia, 119/291 di tích cấp Tỉnh đang bị mối mọt, dột nát và xuống cấp và con số này ngày càng tăng. Thêm vào đó, việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích ở nhiều địa phương không đúng quy trình, có nơi tự ý tiến hành tu bổ không báo cáo các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, chỉ đạo dẫn đến việc tu bổ và phục hồi di tích bị sai lệch, làm hỏng không gian kiến trúc truyền thống. Trước thực trạng đó, Sở VH-TT&DL đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, cần trực tiếp kiểm tra các di tích để có hướng tu bổ đúng quy định, không làm mất đi giá trị nguyên sơ. Trong nhiều năm qua, Sở đã tu bổ, tôn tạo nhiều di tích đạt hiệu quả. Tính từ đầu năm đến nay, Sở đã tu bổ hàng chục di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh như: khu danh thắng Tây Thiên, đình Thổ Tang, đình Tây Hạ, đình Đình Chu, đình Khả Do, đình Thứa Thượng, đình Phú Vinh, đền Đồng Lạc, đền Đỗ Khắc Chung, chùa Am…. cơ bản phục hồi nhiều di tích như: Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Hầu như tôn tạo hoàn toàn mới trên nền ngôi đền cổ. Ngôi đền uy nghi, mang dáng dấp một ngôi đền cổ miền Bắc với tính nghệ thuật đậm nét truyền thống. Ngoài kinh phí Nhà nước còn có nguồn xã hội hóa vài tỷ đồng cho thấy nhân dân đồng lòng tu sửa và phấn khởi gửi gắm niềm tin. Nhiều di tích đặc trưng của di sản văn hóa Vĩnh Phúc đã, đang và sẽ tiếp tục được quan tâm một cách bền bỉ, phục hồi lại sẽ tạo nên những giá trị văn hóa – lịch sử trường tồn, đó là kết quả của một quá trình sống, quá trình tư duy, sáng tạo và phát triển tất yếu của lịch sử mang đậm sắc thái riêng biệt của đất và người Vĩnh Phúc. Đó cũng là giải pháp để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thu Thủy |