LTS: Ngày 30/9 tới đây, tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững” nhằm chuẩn bị cho nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Báo Vĩnh Phúc có bài viết về vấn đề đang được dư luận quan tâm này.
Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm bảo tồn và phát triển
Phát triển nhanh, bền vững đã và đang là mục tiêu bao trùm của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Vì vậy, quan điểm phát triển bền vững là quan điểm và cách tiếp cận chung, nhất quán của hầu hết các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Như thế, hội thảo về xây dựng văn hóa, con người nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được coi là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo được tổ chức trúng thời điểm, đúng với quan điểm, định hướng của Đảng, xu thế phát triển của thời đại và mong muốn của toàn thể nhân dân.
Đặc biệt, trong xu thế phát triển chung của tình hình thế giới cũng như trong nước đã và đang có tác động nhanh, mạnh đến nhiều mặt của xã hội, hơn lúc nào hết, việc đánh giá đúng thực trạng nhằm tìm ra những hạn chế, phát huy điểm mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là nhiệm vụ cấp thiết, mang tính sống còn trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, việc tổ chức hội thảo còn có ý nghĩa làm rõ nhận thức về tầm quan trọng, sự gắn kết mật thiết giữa văn hóa và con người Vĩnh Phúc từ trong quá khứ đến giai đoạn hiện tại, cũng như xu thế phát triển trong tương lai. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển lâu dài, bền vững của tỉnh, đất nước.
Hội thảo là nỗ lực chung của các nhà khoa học, các cơ quan khoa học ở Trung ương cùng các nhà khoa học, các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp ở tỉnh cùng khám phá những đặc trưng, giá trị của nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người của quê hương Vĩnh Phúc đặt trong bối cảnh và yêu cầu của sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh, của cả nước, của khu vực và thế giới.
Qua các ý kiến đóng góp quý báu tại hội thảo, Vĩnh Phúc kỳ vọng sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp thêm vào sự nghiệp phát triển bền vững của cả nước, để giá trị của con người cũng như giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên đặc sắc của tỉnh ngày càng lan tỏa trong cả nước và đến với bạn bè quốc tế. Từ đó, giá trị, sức mạnh của nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người Vĩnh Phúc sẽ được nhân lên gấp bội, thực sự trở thành nguồn nội lực mạnh mẽ của tỉnh trong quá trình phát triển nhanh, bền vững.
Vĩnh Phúc là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa đặc sắc từ thuở cha ông dựng nước. Trong suốt tiến trình lịch sử ấy, văn hóa và người Vĩnh Phúc đã hòa quyện vào nhau, tạo ra nhiều giá trị vô hình và hữu hình. Quan trọng hơn cả, nó tạo ra một đất và người Vĩnh Phúc với những nét riêng không nơi nào có được. Từ nết cần cù, chăm chỉ trong lao động, tính năng động, sáng tạo trong tư duy, đến ý chí khát vọng không ngừng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Những nét đẹp vốn có ấy không thể mai một, nó cần được nhân rộng, phát huy bằng mọi cách. Và, hội thảo lần này với chủ đề trên chính là một trong những giải pháp kịp thời, hợp lý.
Theo chúng tôi, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới, 25 năm tái lập tỉnh cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người Vĩnh Phúc ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa…
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đã xuất hiện hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa… Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn.
Thế nhưng, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc luôn được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.
Muốn vậy, văn hóa phải được thực sự coi trọng, được đặt đúng chỗ cần thiết để có thể phát huy tối đa sức mạnh và giá trị nội tại của nó, như trong Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” nhấn mạnh là văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.
Tiếp nữa là chúng ta cần xác định việc tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, phát triển tỉnh nhà thời gian tới.
Đặc biệt, chúng ta cần quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Bởi văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng. Nó cũng giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn bởi nền tảng văn hóa trong mỗi con người luôn là giá trị bền vững nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai bền vững.
Bài, ảnh: Quang Nam