Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh lý cấp tính gây nguy cơ tử vong hàng đầu thế giới. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận nhiều ca đột quỵ khi tuổi còn rất trẻ.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn bệnh nhân bị đột quỵ tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong.
Thống kê của tổ chức đột quỵ Mỹ cho thấy, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18-50. Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp đột quỵ não ở độ tuổi còn khá trẻ (từ 33 - 44 tuổi). Điển hình như trường hợp của chị P.T.A.N, 35 tuổi ở phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, liệt nửa người bên phải, mất ngôn ngữ, cơ lực tay trái là 2/5, cơ lực chân trái là 3/5.
Ngay khi vào viện, chị N được các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT); cộng hưởng từ (MRI) sọ não. Kết quả, chị N bị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa trái. Người nhà chị N cho biết, chị N có tiền sử tăng áp lực động mạch phổi, tiền sản giật cách đây 6 tháng và bị ngất trước khi nhập viện cấp cứu.
Sau 72 giờ điều trị tích cực theo phác đồ của các bác sĩ, chị N đã nói chuyện lại được, phục hồi vận động, không còn tình trạng liệt nửa người. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên việc điều trị đã diễn ra thuận lợi, chị N cũng không gặp các biến chứng quá nặng nề. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của chị N còn cần thêm thời gian và di chứng sau đột quỵ sẽ vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống. Hiện tại, chị N đang tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Giáp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Đột quỵ não là bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh, biến chứng nặng nề, là nguyên nhân gây liệt và tử vong hàng đầu thế giới. Trước đây, đột quỵ chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, nhưng thời gian gần đây, tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ có xu hướng gia tăng.
Có rất nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ não ở người trẻ tuổi như bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường; những người có lối sống ít vận động, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia; ngoài ra, còn có thể liên quan đến yếu tố di truyền, bất thường về mạch máu hoặc tình trạng đông máu".
Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi, bác sĩ Giáp khuyến cáo: Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị kịp thời. Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng stress, mất ngủ kéo dài, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực vận động, luyện tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu...
Nếu trong gia đình có người từng có bất thường về mạch máu, tăng đông máu nên được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế.
Tất cả mọi người khi có các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, nôn, mất ngôn ngữ, méo miệng, yếu chân tay… hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám sớm trong thời gian vàng nhằm tăng khả năng được cứu sống và giảm thiểu di chứng do đột quỵ gây ra.
Bài, ảnh: Minh Nguyệt