Kỳ 3: Cần chế tài đủ mạnh
Việc giá bị đẩy lên cao, người dân "bỏ cọc" một số lô đất đấu giá ở các địa phương đã gây ra những hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản (BĐS) của tỉnh. Trong đó, hệ lụy cuối cùng vẫn là những người dân có nhu cầu ở thực và những khó khăn, vất vả của chính quyền nơi sở tại. Vì vậy, rất cần có những giải pháp căn cơ để “lành mạnh hóa” phương thức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ tham gia đấu giá, điều kiện tham gia đấu giá để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Ảnh: Dương Hà
Đấu giá QSDĐ là phương thức giúp các địa phương huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua hoạt động đấu giá QSDĐ sẽ góp phần tạo sự ổn định, minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất; đồng thời, làm cơ sở cho sự phát triển thị trường đất đai.
Để hoạt động đấu giá QSDĐ phát huy hiệu quả, tạo nguồn thu ngân sách cho các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quy định về đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn. Sau khi có quy định cụ thể, công tác đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp.
Hoạt động giám sát được triển khai chặt chẽ từ giai đoạn lập, niêm phong, bảo quản, mở thùng phiếu trả giá đến việc tổ chức đấu giá. Ngoài đơn vị tổ chức đấu giá, còn có sự giám sát của đại diện cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp và tùy từng trường hợp cụ thể còn có sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Công tác thông báo công khai việc đấu giá QSDĐ được đảm bảo. Việc triển khai hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp qua đường bưu điện đã phát huy hiệu quả, giúp bảo mật thông tin, đảm bảo quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động đấu giá QSDĐ còn bộc lộ một số hạn chế, tạo kẽ hở cho các hành vi lợi dụng tham gia đấu giá để thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia đấu giá.
Nổi lên là hiện tượng trả giá cao, rồi “bỏ cọc”. Qua kết quả rà soát mới, trong 2 năm (2020 - 2021), toàn tỉnh tổ chức đấu giá hơn 3.000 lô đất, với tổng số tiền thu ngân sách là hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã có 54 lô đất bị người dân bỏ cọc ở 8 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thành phố gồm: Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc và Lập Thạch.
Nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá QSDĐ để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc phê duyệt phương án đấu giá QSDĐ.
Trong đó, chú trọng các điều kiện của người tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật, nhất là về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, phương án thực hiện dự án đầu tư. Chỉ đạo cơ quan được giao tổ chức đấu giá phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ tham gia đấu giá, điều kiện tham gia đấu giá để kịp thời phát hiện dấu hiệu thông đồng, móc nối giữa tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá...
Quán triệt người có tài sản thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo đúng, đủ các tiêu chí quy định tại Thông tư số 02 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, đảm bảo lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, khách quan trong việc đấu giá QSDĐ để thực hiện các dự án đầu tư, nhất là dự án có giá trị lớn.
Thực hiện nghiêm các quy định về thông báo công khai việc lựa chọn, công bố các thông tin liên quan đến việc đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Thành lập các đoàn kiểm tra, tổ giám sát thường xuyên hoặc đột xuất với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương có liên quan để giám sát việc đơn vị có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản ngay từ khâu xác định, phê duyệt giá khởi điểm, nhất là đấu giá QSDĐ để giao đất, cho thuê đất, đấu giá tài sản công có giá trị lớn tại địa phương; nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, tố cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về hoạt động đấu giá đất.
Sở Tư pháp đang tiến hành thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản, nhất là trình tự, thủ tục đấu giá nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức liên quan.
Tuy nhiên, để "lành mạnh hóa" phương thức đấu giá QSDĐ, Sở Tư pháp mong muốn Bộ Tư pháp sớm rà soát, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản pháp luật liên quan, nhất là các quy định liên quan đến đấu giá QSDĐ, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường. Cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng đấu giá, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Thanh Huyền