Kỳ 2: Nỗi lo về những hệ lụy
Đất nền đấu giá luôn được xem là “gà đẻ trứng vàng” của các nhà đầu tư bất động sản. Bởi, các lô đất đều có vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, tính pháp lý rõ ràng và nhất là sẽ nhanh chóng được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, việc giá đấu quyền sử dụng đất (QSDĐ) lên cao gấp từ 2 - 3 lần trong thời gian gần đây đã dấy lên nỗi lo về những hệ lụy.
Người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống thì không mua được đất nền đấu giá. Trong khi, nhiều khu đất sau đấu giá trở thành bãi cỏ mọc um tùm. Ảnh: Dương Hà
Xuất hiện tình trạng bỏ cọc
Hơn 2 năm qua, các cuộc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh đã thu hút một lượng lớn người dân tham gia. Trong các phiên đấu giá, giá trúng đều cao gấp từ 2 - 3 lần so với giá khởi điểm. Điều này đã mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho các địa phương. Tuy nhiên, hiện tượng bỏ cọc “tháo chạy” tại các lô đất nền đấu giá cũng đã diễn ra, gây nhiều hệ lụy xấu đối với thị trường BĐS của tỉnh.
Tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, thời điểm đầu năm 2020, các cơ quan chức năng đã tổ chức đấu giá 15 lô đất ở khu Đồng Rút Kho, thôn Gia Phúc và khu Lòng Ngòi, thôn Hội Trung, với giá khởi điểm từ 5 - 8 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá có gần 500 bộ hồ sơ tham gia.
Qua buổi đấu giá, giá đất được đẩy lên cao gấp khoảng 2 lần so với giá khởi điểm. Riêng với 9 lô ở khu Lòng Ngòi, thôn Hội Trung có giá khởi điểm gần 800 triệu đồng/lô được đấu lên hơn 1,7 tỷ đồng/lô. Tuy nhiên, khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá, đã có một số lô đất bị người trúng đấu giá bỏ cọc. Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định hủy bỏ kết quả để đấu giá lại.
Mặc dù các ô đất trên đã được đấu giá lại xong vào cuối năm 2020, nhưng hiện nay cấp ủy, chính quyền xã Nguyệt Đức lại đang e ngại tình trạng “bỏ cọc” sẽ tiếp tục tái diễn đối với 45 lô đất vừa đấu giá thành công vào tháng 3/2022 ở xứ đồng chăn nuôi cũ làng Đinh Xá vì giá trúng đấu giá cũng khá cao so với giá khởi điểm.
Theo số liệu của UBND huyện Yên Lạc, trong 2 năm (2021 - 2022), UBND huyện đã ban hành quyết định hủy công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 12 lô đất, với tổng diện tích 12.296 m2 thuộc 4 xã, thị trấn gồm: Yên Lạc, Nguyệt Đức, Liên Châu và Yên Đồng.
Lý do hủy kết quả đấu giá là quá thời gian quy định, người trúng đấu giá QSDĐ không nộp đủ tiền trúng đấu giá, theo quy định tại Khoản 1, Điều 72, Luật Đấu giá tài sản và được ghi trong quy chế đấu giá.
Cả người dân và chính quyền bị ảnh hưởng
Tình trạng bỏ cọc cũng đã diễn ra ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Tuân Chính, Thổ Tang (Vĩnh Tường); Hội Hợp (thành phố Vĩnh Yên)... Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ cọc “tháo chạy” khỏi các lô đất trúng đấu giá là do thời điểm trúng đấu giá, đất đang “sốt ảo”. Đến khi nộp tiền thì giá đất đã “hạ nhiệt”.
Nhiều nhà đầu cơ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc hơn là mạo hiểm ôm “cục nợ” khi đất đấu giá không thể kịp “lướt sóng” kiếm lời. Việc trả giá cao, rồi “bỏ cọc” đất nền đấu giá đã gây ra những hệ lụy xấu đối với thị trường BĐS của tỉnh. Và ảnh hưởng lớn nhất vẫn là những người dân có nhu cầu mua đất thực sự để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, nhưng vì giá bị đẩy lên quá cao, họ không thể mua nổi.
Từng mua 2 bộ hồ sơ để tham gia phiên đấu giá QSDĐ ở khu Lòng Ngòi, thôn Hội Trung vào đầu năm 2020, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, người dân xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) chia sẻ: "Gia đình tôi tham gia đấu giá với mong muốn mua thêm một lô đất cho con ra ở riêng. Thế nhưng, đến khi công bố kết quả, giá mà các hộ dân trong xã đưa ra thấp hơn rất nhiều so với giá của những đội “cò đất”.
Chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi ra về để nhường chỗ cho người trả giá cao hơn. Sau khi kết thúc phiên đấu giá, nhiều "cò đất" có mở lời bán lại cho chúng tôi, song với mức giá mà "cò đất" đưa ra quá cao so với khả năng tài chính của chúng tôi".
Đứng trên khu đất nền đấu giá bỏ không, cỏ dại mọc um tùm, bà Nguyễn Thị Hoa, xã Nguyệt Đức bức xúc: "Người dân chúng tôi sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, dành dụm cả nửa đời người mới được ít tiền để mang đi đấu giá với mong muốn có được mảnh đất cho con xây dựng nhà cửa thì không được.
Trong khi, cò ở tận đâu đến bỏ giá cao rồi lại “bỏ cọc”. Vì thế, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm chấn chỉnh tình trạng này để người dân địa phương có nhu cầu ở thực sự được tiếp cận với đất nền đấu giá".
Không chỉ người dân gánh chịu hậu quả, mà chính quyền một số địa phương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi các nhà đầu tư bỏ cọc “tháo chạy” khỏi lô đất trúng đấu giá.
Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức Tạ Hồng Thắng cho biết: Việc người dân “bỏ cọc” khỏi lô đất trúng đấu giá đã khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn, vì hiện tại, hầu hết các công trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn đều phụ thuộc vào nguồn vốn từ đấu giá QSDĐ.
Cuộc đấu giá QSDĐ không thành sẽ khiến địa phương chậm thanh quyết toán nguồn vốn cho các nhà thầu, làm kéo dài thời gian thi công công trình, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội và tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.
Ông Hoàng Thành Nam, quyền Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc chia sẻ: Với những lô đất bị người dân “bỏ cọc”, chính quyền địa phương phải xác định lại giá khởi điểm của các lô đất để tổ chức đấu giá lại; hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để hủy kết quả đấu giá các lô đất và xin cấp có thẩm quyền tổ chức lại cuộc đấu giá khác nên tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Ngoài ra, việc giá đấu bị đẩy lên cao gấp từ 2 - 3 lần so với giá khởi điểm trong các phiên đấu giá còn gây khó khăn cho công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Bởi, nếu giá đấu tăng lên sẽ tạo ra một mặt bằng giá đất mới trong khu vực khiến khoảng cách giữa giá bồi thường GPMB của Nhà nước và giá thị trường ngày càng cách xa nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, khiến việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp thuận và nhận tiền hỗ trợ, bồi thường GPMB khó khăn hơn.
Thanh Huyền