NXB Trẻ vừa giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm Con thiêng của rừng của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Tác phẩm mang đến không khí và văn hóa của vùng đất Tây Nguyên, trong đó nhân vật chính có nguyên mẫu là họa sĩ Xu Man.
Con thiêng của rừng dẫn dắt người đọc lần ngược quá khứ trở về với vùng núi rừng Tây Nguyên thập niên 1930, gặp gỡ một chú bé người dân tộc Ba Na tên Siêu Dơng. Lớn lên trong cảnh nợ nần, nghèo khó, Siêu Dơng đã sớm chứng kiến cảnh cha mẹ phải nai lưng làm lụng cho nhà chánh tổng, rồi cả nhà em lại bị đem bán cho tri phủ Môr như những món hàng. Siêu Dơng sớm bộc lộ tài hội họa, nhưng rồi cái tài ấy cũng bị khuất lấp đi dưới tầng tầng lớp lớp những đắng cay tủi nhục khi làm tôi tớ cho cha con tri phủ Môr tàn ác.
Thời niên thiếu của Siêu Dơng là chuỗi ngày bất hạnh tới cùng cực. Siêu Dơng mất đi những người thân yêu nhất: cha anh, mẹ anh, vợ anh, con anh… Hết lần này đến lần khác bị chà đạp, nghiền nát dưới gót giày ngang ngược, tàn ác của lũ tay sai thân Pháp, Siêu Dơng từng phản kháng, từng buông xuôi mặc sự nhào nặn của Môr, nhưng không lựa chọn nào đem lại cho anh sự yên ổn. Nhưng rồi, ngay giữa đêm trường tăm tối ấy, Siêu Dơng đã nhìn thấy tia sáng chiếu rọi tương lai cho mình.
Tác phẩm được kể theo trình tự thời gian, ứng với các bước đi trong cuộc đời chú bé Siêu Dơng người dân tộc Ba Na.
Viết Con thiêng của rừng, nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Nhân vật chính của cuốn sách - chú bé Siêu Dơng - là người con đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên. Sinh ra trong cảnh đọa đày dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và tay sai, khi lớn lên, anh thanh niên người Ba Na Siêu Dơng đã được giác ngộ cách mạng và bước đi trên con đường mới, trở thành họa sĩ Xu Man sau này.
Họa sĩ Xu Man sinh năm 1925 tại thị trấn An Khê. Suốt thời niên thiếu, ông phải làm tôi tớ để trả nợ cho chủ. Đến tuổi thanh niên, ông từng bí mật giúp đỡ cách mạng rồi gia nhập lực lượng quân đội ngay tại Gia Lai. Đến năm 1954, ông được tập kết ra Bắc và cử đi học văn hóa. Năm 1974, ông hoàn thành chương trình đại học và trở về quê hương tiếp tục công tác. Năm 1983, ông về hưu, trở lại làng Bông quê hương sống những ngày cuối đời và qua đời năm 2007.
Trong suốt cuộc đời, ông được giao làm nhiều công việc khác nhau và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Họa sĩ Xu Man vẫn luôn dành thời gian cho niềm đam mê hội họa. Chủ đề lớn trong các tác phẩm của ông là tấm lòng người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Tới nay, các bức tranh của ông đã chu du khắp đất nước Việt Nam. Một số tác phẩm còn được lưu giữ trong hai viện bảo tàng mỹ thuật lớn tại Hà Nội và TPHCM.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có cơ duyên gặp gỡ họa sĩ Xu Man và hai người sớm trở thành đôi bạn tâm giao. Họ đã cùng trải qua những đêm chuyện trò bên rượu cần bếp lửa, để người họa sĩ lần mở những trang quá khứ đời mình. Chuyến hành trình ấy càng dài, thì ý tưởng viết sách càng thêm rõ nét trong tâm trí tác giả, thôi thúc ông đặt bút.
Phương Hoa (Theo sggp.org.vn)