Thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi tiếc nuối nhìn cơ hội bị trôi qua, hoặc đau xót vì dự án “đứng hình” mà lãi vay phải trả hàng ngày, bào mòn nội lực. Đó là một thực tế về lãng phí!
Nản lòng vì thủ tục phức tạp
Câu chuyện từ Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan) là một điển hình. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết, công ty có dự án đầu tư tại Long An đã kéo dài 8 năm nhưng chưa được cấp phép vì vướng thủ tục liên quan đến đất đai. Hệ quả là doanh nghiệp bị mất cơ hội để phát triển nhóm hàng thịt mát. Đáng lo ngại hơn, doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ không thể phát triển mở rộng do nhà máy sản xuất tại TPHCM đã chạm ngưỡng tối đa năng suất sản xuất và phải di dời đi trong năm 2029, theo quyết định của TPHCM. “Đi thì mắc núi, trở lại mắc sông. Tình trạng này không sớm được tháo gỡ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của Công ty Vissan”, ông Tuấn lo ngại.
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan).
Ông Phạm Tuấn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu May mặc Tân Châu, cho biết, hợp đồng thuê đất nhà nước tại địa điểm đang sản xuất là phường 13, quận Tân Bình, TPHCM sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Song, đến nay chủ trương tái cho thuê chưa được các cơ quan chức năng trả lời rõ ràng. Thực tế này cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp. “Với một doanh nghiệp, chiến lược phát triển không thể tính từng năm mà phải dài hơi 10 năm, 20 năm, thậm chí dài hơn. Việc phải “ăn đong” chỗ ở như hiện nay khiến doanh nghiệp đứng trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, kế hoạch sản xuất, phát triển thị trường cũng phải tạm bợ. Vậy thì làm sao doanh nghiệp có thể phát triển lớn mạnh và bền vững?”, ông Kiên chua xót nói.
Tình trạng lãng phí cơ hội thị trường còn xảy ra ở nhiều loại hình và lĩnh vực khác. Đơn cử câu chuyện xử lý rác thải tại TPHCM. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường và Khu công nghiệp Việt Nam, cho biết, TPHCM trung bình tiếp nhận xử lý khoảng 9.000-11.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Việc xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp khiến thành phố tiêu tốn quỹ đất khổng lồ lên đến gần 1.000ha (336ha đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi và 600ha với Khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh).
Nhằm khắc phục thực trạng này, nhiều năm qua TPHCM đã tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, đốt rác phát điện. Những lợi ích từ việc hiện đại hóa công nghệ xử lý rác thải như tiết kiệm quỹ đất, rác thải được tận dụng làm nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác và là nguyên liệu để sản xuất năng lượng xanh, sẽ giúp TPHCM tiết giảm được ngân sách... “Tuy nhiên, thủ tục hành chính phức tạp hoặc vẫn đang còn chờ phê duyệt khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, gây lãng phí nguồn lực xã hội”, ông Huỳnh Minh Nhựt nhận xét.
Quy định thiếu thực tế gây lãng phí
Tình trạng lãng phí cơ hội thị trường xảy ra phổ biến cả với doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra), cho biết, các doanh nghiệp đang có tỷ trọng vốn nhà nước cao, chịu sự kiểm soát chặt chẽ, nhất là về quản lý vốn Nhà nước trong sản xuất kinh doanh. Điều đó làm doanh nghiệp thiếu chủ động khi ra quyết định trong hoạt động kinh doanh, nhất là khi thị trường có biến động mạnh cần có quyết sách nhanh, kịp thời. Không chỉ vậy, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và đất đai luôn là nỗi lo thường trực. Nhiều dự án đầu tư bị kéo dài thời gian phần lớn đến từ nguyên nhân này.
“Việc ban hành những quy định thiếu thực tế từ các cấp bộ ngành chức năng cũng gây nên lãng phí. Chẳng hạn, Bộ Y tế có quy định buộc doanh nghiệp phải bổ sung muối I-ốt, sắt và kẽm là tước đi quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Quy định này cũng không phù hợp với quốc tế, làm mất khả năng cạnh tranh và cơ hội phát triển thị trường của doanh nghiệp Việt Nam ngay trong nước và xuất khẩu” bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM nói thêm.
Một dẫn chứng khác, nhiều dự án điện gió ở tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành thương mại, gây lãng phí lớn. Trên toàn tỉnh có 19 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 1.395MW) đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, 11 dự án triển đang triển khai thi công, trong đó 7/11 dự án đã đưa vào vận hành thương mại, 4 dự án còn lại có 2 dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành thương mại do “đang chờ cơ chế giá điện” từ Bộ Công thương. Đó là dự án Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Sóc Trăng (30MW); dự án Nhà máy điện gió số 3 (29,4MW). Theo ông Đặng Thành Sơn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, 2 dự án điện gió trên có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, dù đã hoàn thành nhưng không thể vận hành, gây lãng phí rất lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp khi đầu tư phải sử dụng vốn vay ngân hàng, gồng mình trả lãi; máy móc, thiết bị không hoạt động nhanh xuống cấp, bị hư hỏng...
Không chỉ tại Sóc Trăng, nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời tại các địa phương khác như Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh… cũng đang phải chờ cơ chế giá. Nếu không giải quyết kịp thời được điểm nghẽn này thì lãng phí về nguồn lực xã hội cực lớn, đặc biệt là ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Diệu Linh (Theo sggp.org.vn)