Nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, các dự án đầu tư trong nước (DDI) vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, xuất hiện những dự án đầu tư lớn, đến từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm và uy tín trên thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh.
Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ là một trong số các doanh nghiệp DDI hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Ảnh: Chu Kiều
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: "Thu hút vốn đầu tư từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 20-25 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI)".
Hiện thực hóa mục tiêu trên và nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp, phát triển các KCN, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần của nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và Kế hoạch thực hiện "Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030".
Đồng thời, tỉnh ban hành kế hoạch hằng năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo các cấp, ngành thống nhất và quán triệt sâu sắc quan điểm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và là giải pháp quan trọng để củng cố lòng tin của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của tỉnh, thúc đẩy thu hút nguồn lực phát triển địa phương, quyết tâm phấn đấu duy trì thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Nhờ vậy, hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới và thực chất hơn; chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh được cải thiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến đã giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống.
10 tháng năm 2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 13 dự án DDI mới và tăng vốn cho 7 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 4.426 tỷ đồng, bằng 71% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 295% kế hoạch năm 2024.
Trong các KCN, có 119 dự án DDI còn hiệu lực đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 38.882 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến trong các KCN của tỉnh sẽ thu hút 80 dự án mới với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 27 nghìn tỷ đồng, đạt 434% về vốn đầu tư so với giai đoạn 2016 - 2020 và đạt 109% mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến lũy kế đến hết năm 2025, trong các KCN có 133 dự án DDI còn hiệu lực đầu tư với tổng vốn đầu tư 40,78 nghìn tỷ đồng.
Các dự án DDI đầu tư vào các KCN đã tăng cả về số lượng và chất lượng, xuất hiện những dự án đầu tư lớn, đến từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm và uy tín trên thị trường Việt Nam như Dự án sản xuất gạch ốp lát, tấm ốp lát Á Mỹ với tổng vốn đầu tư hơn 1.627 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu của Tập đoàn Viễn thông FPT tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 1.121 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất vật liệu hoàn thiện nhôm Việt Dũng, vốn đầu tư 830 tỷ đồng; các dự án của Tập đoàn CNC Tech với tổng vốn đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng...
Đặc biệt, có một số doanh nghiệp trong nước như Cosmos, Á Mỹ, CNC... có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới. Quy mô vốn và chất lượng dự án tăng đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; tăng thu ngân sách Nhà nước; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh.
Tuy nhiên, phần lớn các dự án DDI đầu tư trong các KCN của tỉnh hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ mức trung bình, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Thêm vào đó, các ngành công nghiệp do các dự án FDI tạo ra hiện nay chủ yếu là công nghiệp lắp ráp, sản xuất các sản phẩm theo đơn hàng từ công ty chính ở nước ngoài, chưa tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao đầu chuỗi nên hạn chế trong việc liên kết, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy... tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, nhất là Ban Quản lý các KCN tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phối hợp với các nhà đầu tư, các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN đã đi vào hoạt động.
Rà soát tiến độ triển khai các dự án, đôn đốc các dự án thực hiện theo tiến độ cam kết; làm việc với các doanh nghiệp triển khai chậm tiến độ theo đăng ký để hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế; rà soát tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Lưu Nhung