Tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc hiện đại, cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Việt Nam (Khu công nghiệp Bá Thiện 2) xuất khẩu sản phẩm tới gần 30 thị trường trên thế giới. Ảnh: Thế Hùng
Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác trên thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi, tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu và tăng cường xuất khẩu.
Để triển khai hiệu quả FTA, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách về FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA).
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương kịp thời rà soát, cụ thể hóa, hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tìm hiểu thông tin xuất nhập khẩu liên quan đến các đối tác FTA với Việt Nam và các thị trường tiềm năng, giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, phù hợp với yêu cầu của chuỗi cung ứng thị trường trong thời kỳ mới.
Hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan của các FTA đã có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên vào thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường các nước trong Liên minh Kinh tế Á- Âu.
Tận dụng cơ hội từ FTA mang lại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 13,05 tỷ USD, tăng 12,58% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu tập trung vào 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, trọng điểm là thị trường các nước EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ…
Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đã mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Thế Hùng
Công ty cổ phần công nghệ Pavana (Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc) được đầu tư bởi Tập đoàn CNCTech và Tập đoàn MKGroup, chuyên nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thiết bị camera thông minh.
Để sản phẩm vươn ra thị trường thế giới, công ty đã tận dụng lợi thế từ FTA; tuyển dụng các kỹ sư giỏi, giàu kinh nghiệm đã từng đảm nhận các vị trí chủ chốt tại các tập đoàn và công ty lớn ở Việt Nam như VNPT, VINGROUP, VIETTEL, FPT, SAMSUNG có khả năng thiết kế, phát triển các công đoạn như kiểu dáng, cơ khí, bo mạch, phần mềm nhúng, phần mềm ứng dụng.
Ký kết hợp tác chiến lược với nhiều đối tác lớn trong nước và quốc tế như Qualcomm, VinBigData, Sky Light, Lumi, Ingenic, Ambarella để sản xuất camera theo đơn đặt hàng. Đặc biệt, công ty đã ứng dụng công nghệ VinCSS IoT FDO vào sản xuất các dòng camera an ninh cao cấp.
Qua đó đưa Pavana trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới tích hợp FDO để sản xuất camera an ninh thông minh có độ an toàn bậc nhất.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Việc tận dụng cơ hội từ FTA không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.
Với công suất 6 triệu camera/năm, hiện đa số sản phẩm camera của công ty được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu. Công ty đang nghiên cứu phát triển các dòng camera thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo cho xe hơi, xe buýt và giám sát an ninh tại các nhà máy, khu đô thị lớn.
Trước sự biến động của nền kinh tế thế giới, để tiếp tục khai thác hiệu quả FTA, tăng tỷ trọng xuất khẩu cho doanh nghiệp, tỉnh sẽ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế.
Qua đó nâng cao hiệu quả thực thi các FTA; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường FTA để hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu.
Tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình, chính sách, quy định mới của các thị trường giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, xây dựng chiến lược sản xuất phù hợp; thường xuyên trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành hàng xuất khẩu để có giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Mai Liên