Phát huy lợi thế gần dân, sát dân, các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định vai trò tạo “đòn bẩy”, kênh dẫn vốn kịp thời, hiệu quả, tiếp sức cho người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, chung sức cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.
Nguồn vốn vay của QTDND xã Tuân Chính giúp gia đình chị Kim Thị Hồng Lân, thôn Phù Chính phát triển cửa hàng kinh doanh thiết bị điện, nước hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có 31 QTDND với 29.500 thành viên, tăng 754 thành viên so với cuối năm 2023. Nguồn vốn huy động đạt hơn 4.960 tỷ đồng, tăng 189 tỷ đồng so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt gần 3.600 tỷ đồng.
Cơ cấu dư nợ chủ yếu là cho vay ngắn hạn, chiếm 80%/tổng dư nợ; còn lại dư nợ cho vay trung, dài hạn. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chiếm 0,17% tổng dư nợ. Trong đó, 18/31 QTDND không có nợ xấu, 12/31 QTDND có nợ xấu dưới 1%.
Là một trong những QTDND nhiều năm liền không có nợ xấu, nợ khó đòi, hiện nay, QTDND xã Tuân Chính (Vĩnh Tường) có hơn 1.000 thành viên, với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 178 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Loan, Giám đốc QTDND xã Tuân Chính cho biết: Để nguồn vốn hoạt động phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân, Quỹ luôn chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng, lãi suất, quy trình, đối tượng cho vay và tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo an toàn vốn.
Đến hết tháng 9 năm 2024, tổng dư nợ cho vay của Quỹ đạt gần 144 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng trên đã giúp hàng trăm hộ dân mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cùng cán bộ QTDND xã Tuân Chính đến thăm gia đình chị Kim Thị Hồng Lân, thôn Phù Chính - khách hàng thân thiết, gắn bó với QTDND hơn 10 năm nay, đứng giữa ngôi nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi cùng cửa hàng kinh doanh thiết bị điện nước, gas luôn tấp nập, nhộn nhịp, chị Lân chia sẻ: Thành quả trên có sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn vốn vay của QTNDN xã Tuân Chính.
Với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, kịp thời, đặc biệt là gần nhà, từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn QTDND xã Tuân Chính luôn đồng hành cùng gia đình tôi trên các công trình, dự án tại các hộ dân trên địa bàn trong và ngoài xã.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hường, xã Tuân Chính có điều kiện đầu tư, mở rộng cửa hàng tạp hóa nhờ vốn vay của QTDND xã.
Nhờ đó, từ chỗ gần như không có gì, phải thuê mặt bằng kinh doanh, đến nay, gia đình tôi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, rộng rãi, có cửa hàng kinh doanh và nguồn khách hàng ổn định, thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm.
Vừa trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư vừa giải quyết cho vay phục vụ sản xuất, tiêu dùng khu vực nông thôn, các QTDND trên địa bàn luôn hoạt động ổn định, đúng tôn chỉ mục đích, “an toàn và hiệu quả”, là điểm tựa tài chính cho người dân vùng nông thôn.
Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Đảm bảo các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các QTDND cử hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên đi đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Hiện nay, trên 80% cán bộ QTDND có chứng chỉ nghiệp vụ, hơn 10% số cán bộ, nhân viên có trình độ trên đại học, hơn 60% có trình độ đại học, cao đẳng.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các QTDND bám sát mục tiêu hoạt động năm, chấp hành nghiêm các quy định về tín dụng, lãi suất, quy trình cho vay, tăng trưởng tín dụng. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, công tác tín dụng, kế toán và an toàn kho quỹ.
Ngay trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề và triển khai nhiệm vụ các QTDND. Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đưa ra những giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2024, trong đó đề cao chất lượng tín dụng cho vay thành viên an toàn, hiệu quả và tập trung xử lý nợ xấu với mục tiêu tăng trưởng tín dụng các QTDND từ 7 - 10% so với năm 2023, tùy theo quy mô dư nợ của từng quỹ.
Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo các QTDND kịp thời chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các thành viên trong việc tiếp cận vốn vay, quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh bằng việc giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác tín dụng, đặc biệt kịp thời phát hiện, ngăn chặn rủi ro.
Đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn của 31 QTDND trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.450 tỷ đồng, tăng gần 159 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Đáp ứng kịp thời, hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các QTDND kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, thanh khoản, nâng cao chất lượng hoạt động, chấp hành chính sách lãi suất, thực hiện công khai, minh bạch, duy trì tỷ lệ an toàn theo quy định.
Bài, ảnh: Hồng Tính