Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 29,5 ngày với khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay, trong đó có công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo dõi kỳ họp, cử tri kỳ vọng các quyết sách sớm được thông qua và đi vào cuộc sống sẽ khơi dậy và huy động thêm các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Lắng nghe tiếng nói cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới nay, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội luôn lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, từ đó lựa chọn vấn đề đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, chương trình giám sát.
Những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đều được Đoàn ĐBQH tỉnh trực tiếp gửi tới Quốc hội tại các kỳ họp.
Nhiều dự án luật đã được điều chỉnh nội dung cho phù hợp với thực tiễn, có những dự án chưa được thông qua như kế hoạch ban đầu mà thận trọng tiếp tục tiếp thu ý kiến, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để đạt chất lượng tốt nhất.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 45 nghị quyết và 3 pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc rất lớn, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó, một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo. Đến nay, 2.238 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%.
Tại Vĩnh Phúc, theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 106 ý kiến của cử tri gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh trước và sau các kỳ họp. Đến nay, đã có 63 ý kiến được trả lời theo thẩm quyền và 34 ý kiến đang tiếp tục được giải quyết.
Từ trước và sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đến nay đã có 28/34 kiến nghị của cử tri được các cơ quan Trung ương trả lời, đạt 82%.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri trên toàn tỉnh đánh giá cao những chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động. Cùng chung với sự phát triển của đất nước, những chuyển biến về kinh tế - xã hội những năm qua tại Vĩnh Phúc tạo sự tin tưởng, phấn khởi với cử tri trong tỉnh.
Khẳng định đây là kỳ họp quan trọng với rất nhiều nội dung, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: Trong thời gian gần một tháng làm việc, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó, Quốc hội xem xét, thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Đây là những nội dung liên quan nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp, cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm, kỳ vọng.
Mong muốn của cử tri
Cùng với người dân cả nước, cử tri tại khắp các địa phương trong tỉnh đều bày tỏ mong muốn, kỳ vọng rất lớn vào những quyết sách sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cử tri và nhân dân đặc biệt phấn khởi khi kinh tế đất nước đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Đồng thời, cử tri kỳ vọng tin tưởng trước những kết quả trong việc ứng phó với thiên tai, hỗ trợ khắc phục, sớm ổn định cuộc sống người dân; đánh giá cao sự đổi mới trong giáo dục và mong muốn cải thiện các vấn đề tồn tại; niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ các cấp…
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 106 ý kiến của cử tri gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh trước và sau các kỳ họp.
Đối với các vấn đề cụ thể trong đời sống, cử tri các địa phương trong tỉnh cũng kiến nghị đến Quốc hội một số bất cập, đặc biệt là về an sinh xã hội.
Kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động về bảo hiểm thất nghiệp khi doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, cử tri Nguyễn Tuấn Hùng, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương chia sẻ: “Được biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận Luật Việc làm (sửa đổi) nên người lao động đang mong muốn có quy định cứng về bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động, tránh trường hợp người sử dụng lao động đóng mức thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ; đồng thời quy định rõ các trường hợp đặc biệt để Chính phủ điều chỉnh mức đóng này.
Ngoài ra, người lao động cũng hy vọng được tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% hiện nay lên 70%, tức là bằng lương hưu tối đa nhằm hỗ trợ người lao động đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi không có việc làm”.
Cử tri Nguyễn Hoài Nam, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên lại quan tâm đến vấn đề cải thiện đời sống cho người dân, qua đó giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn: “Tôi mong muốn Nhà nước có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên ban hành các quy định về bồi thường, tái định cư sát với thực tiễn hơn, để người dân khi bị thu hồi đất có đủ kinh phí xây dựng nhà tại nơi ở mới.
Cử tri Nguyên Hoài Nam cũng nhấn mạnh: "Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân đều kỳ vọng những quyết sách quan trọng được xem xét tại kỳ họp lần này sẽ sớm được thông qua và đi vào cuộc sống. Từ đó khơi dậy và huy động thêm các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ