Cuối năm là dịp các hộ sản xuất, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá điện tăng 4,8% kể từ ngày 11/10 lên mức 2.103,11 đồng/kWh tạo ra áp lực không nhỏ, đem đến những khó khăn nhất định, khiến quá trình phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của các đơn vị vốn đã khó nay càng thêm khó.
Tại cơ sở sản xuất dao Trưởng Nga, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường), khoảng hơn chục công nhân đang gia công các sản phẩm để kịp thời giao hàng cho khách theo đơn đặt hàng. Qua quan sát, trong xưởng chủ yếu là các thiết bị, máy móc sử dụng điện.
Giá điện tăng 4,8% khiến chi phí sản xuất của các hộ làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân tăng cao.
Khác với trước kia, làng rèn Lý Nhân hôm nay đã sạch đẹp, ít khói bụi, bởi các lò đốt bằng than đá hầu hết đã được thay thế bằng lò điện, từ đó, tình trạng ô nhiễm làng nghề cũng giảm đáng kể. Song, cùng với đổi mới công nghệ, giá thành sản phẩm làng rèn phụ thuộc khá nhiều vào lượng điện năng tiêu thụ.
Anh Vũ Đàm Thưởng, chủ cơ sở sản xuất Trưởng Nga cho biết: “Với 2 lò nung cao tần, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ 4.000 - 5.000 kWh, chi phí tiền điện chiếm khoảng 3 - 5% giá thành sản phẩm. Hiện, trung bình mỗi tháng, cơ sở xuất bán từ 7.000 - 10.000 sản phẩm, thời điểm tháng Tết có thể tăng hơn nữa.
Các lò nung cao tần sử dụng năng lượng điện đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho sản xuất của làng nghề, giảm khí thải, tiếng ồn, bụi, tăng năng suất lao động, tuy nhiên chi phí cao hơn so với sử dụng các lò đốt bằng than đá như trước kia.
Với giá điện tăng như vừa qua, chi phí sản xuất sẽ tiếp tục tăng lên, trong khi giá bán rất khó điều chỉnh tăng. Giá điện tăng gây áp lực đáng kể cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như của gia đình”.
Công ty TNHH Hoàng Đạt, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm lúa gạo quy mô lớn của khu vực Vĩnh Tường và của tỉnh. Được biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa, với công suất thiết kế 200 tấn/ngày đêm.
Chia sẻ về giá điện tăng, ông Vũ Quang Long, Giám đốc công ty cho biết: Chi phí điện chiếm khoảng 30 - 40% chi phí sản xuất do đơn vị chủ yếu thực hiện công đoạn gia công, đánh bóng hạt gạo, sử dụng máy móc công suất lớn với quy trình khép kín. Việc giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Trong thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ gạo bị cạnh tranh mạnh bởi gạo nhập khẩu từ các nước khác có giá thành thấp hơn, khiến lượng hàng bán ra của công ty chỉ đạt từ 300 - 400 tấn/tháng, sụt giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Thêm vào đó, nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí điện tăng sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho các đơn vị sản xuất.
Các doanh nghiệp gia công may mặc, da giày của tỉnh gặp không ít khó khăn khi giá điện tăng 4,8%.
Ông Chu Văn Minh, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Gạch ngói Vĩnh Phúc (Vĩnh Tường) chia sẻ: Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nguyên liệu đầu vào tăng, sức tiêu thụ vật liệu xây dựng còn chậm... lượng hàng tồn kho nhiều, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải thay đổi kế hoạch, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Giá điện tăng vào thời điểm cuối năm khiến việc hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh đã khó lại càng khó hơn.
Ngày 10/10/2024, Bộ Công thương đã công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo đó, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.
Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1046 ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11/10/2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Theo Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, sản lượng điện thương phẩm 9 tháng năm 2024 của tỉnh đạt hơn 4.062 triệu kWh, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng tốc sản xuất, đó là những tín hiệu lạc quan, cho thấy gam màu sáng của hoạt động sản xuất ngành công nghiệp những tháng cuối năm.
Để giảm bớt áp lực từ việc tăng giá điện, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần nhanh chóng cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng các loại máy móc, thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Từ đó giảm tối đa chi phí sử dụng điện và chi phí sản xuất.
Các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền về các giải pháp tiết kiệm điện, nâng cao ý thức của nhân viên, người lao động về tiết kiệm điện, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.
Bài, ảnh: Đức Chung