Chính phủ hiện đã hoàn thiện Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch với mục tiêu tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch. Đồng thời phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần phát triển KT-XH bền vững trong giai đoạn mới.
Công tác quy hoạch hạ tầng đô thị góp phần mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện, triển khai hoạt động quy hoạch thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công của khu vực Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai Luật Quy hoạch, trên thực tế xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như chưa xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc cấp nào trong hệ thống quy hoạch quốc gia; chưa có sự đồng bộ về thẩm quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và thẩm quyền thẩm định quy hoạch tỉnh…
Do vậy, việc sửa đổi Luật Quy hoạch là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện nội dung, phương pháp lập quy hoạch để khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT - XH bền vững.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch quy định rõ nguyên tắc hướng tới phát triển bền vững; đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; sự gắn kết, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các quy hoạch.
Nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, dự thảo quy định rõ năng lực, yêu cầu đối với tư vấn lập quy hoạch, trong đó sửa đổi quy định tại khoản 1, Điều 56 theo hướng phân quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để đề cao trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời quy định rõ yêu cầu và nội dung chủ yếu của các loại quy hoạch theo hướng cấp độ quy hoạch càng xuống thấp càng thể hiện chi tiết; quy định cụ thể 4 trường hợp được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn khi có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn và quy hoạch cùng cấp nhằm đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch, tránh được sự chồng chéo, trùng lặp giữa các quy hoạch…
Tại Vĩnh Phúc, thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch; chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác quản lý và thực hiện quy hoạch; tổ chức kiểm tra trách nhiệm đối với 9/9 UBND cấp huyện, 100% UBND cấp xã về công tác phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án Quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng; 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…
Cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh và tiến hành lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành theo quy định.
Đồng thời ban hành quy định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về công trình ngầm đô thị trên địa bàn tỉnh; quy định về quản lý chiếu sáng đô thị; Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị cho các đô thị loại IV (Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo).
Hoàn thiện Đề án phát triển bền vững đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030… Qua đó tạo tiền đề phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân các địa phương.
Quy hoạch là căn cứ chủ yếu để các cấp, các địa phương định hướng mục tiêu phát triển theo ngành, lĩnh vực và là cơ sở để xây dựng các chính sách, chương trình, dự án đầu tư nhằm sử dụng hài hòa, hiệu quả không gian phát triển.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch sau khi được ban hành sẽ là công cụ giữ vai trò quản lý, định hướng, dẫn dắt sự phát triển KT-XH. Đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư cũng như việc sử dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.
Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành được thống nhất ở cả 3 cấp.
Đổi mới nội dung và phương pháp để quy hoạch thực sự là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh.
Theo đó, tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo mục tiêu đã đề ra, nhất là các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT - XH...
Bài, ảnh: Ngọc Lan