Chính phủ mới ban hành Nghị định số 123/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Với 4 chương, 36 điều, nghị định đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới so với Nghị định số 91/2019 của Chính phủ. Qua đó góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đồng thời phân cấp, phân quyền, quy định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.
Cán bộ Ban quản lý Dự án và Xây dựng hạ tầng đất dịch vụ huyện Bình Xuyên rà soát, kiểm đếm, quy chủ, xử lý những tồn tại về đất đai trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng
Thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý đất đai, đặc biệt tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32/2019 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 54/2020 để triển khai thực hiện Chỉ thị 32 và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo khác.
Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác xử lý tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Nhờ đó, từ 16/3/2020 đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh xử lý, giải quyết được 13.189 trường hợp vi phạm đất đai (các vi phạm phát sinh trước ngày 16/3/2020).
Quá trình xử lý các trường hợp tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế, chính sách và khâu tổ chức thực hiện. Đến ngày 30/9, toàn tỉnh còn 4.164 trường hợp vi phạm với tổng diện tích hơn 165 ha vi phạm phát sinh trước ngày 16/3/2020 chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.
Nguyên nhân là do các trường hợp tồn tại, vi phạm đất đai xảy ra đã lâu, một số trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền.
Nhiều trường hợp không còn lưu giữ được giấy tờ mua bán hoặc phiếu thu tiền sử dụng đất để chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính nên khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận quyền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận.
Đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của nhiều người sử dụng đất chưa cao, thậm chí cố tình vi phạm vì lợi ích của cá nhân, đơn vị. Có một số trường hợp vi phạm có biểu hiện chống đối, không hợp tác, gây khó khăn trong việc xác minh, đo đạc hiện trạng vi phạm để xác lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Cùng với đó là sự né tránh, đùn đẩy, thậm chí xử lý vi phạm không đúng quy định pháp luật, hiệu quả thấp của một số đơn vị.
Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người dân và xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, Nghị định số 123 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới so với Nghị định số 91 của Chính phủ.
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất là Nghị định số 123 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và đang thực hiện. Điều này có nghĩa là ngay cả khi hành vi vi phạm đã xảy ra trong quá khứ, người dân vẫn có thể bị xử phạt nếu hành vi đó được phát hiện.
Theo đó, Nghị định số 123 quy định cụ thể mức phạt đối với từng trường hợp sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và quy định rõ mức phạt đối với các hành vi lấn đất và chiếm đất.
Đặc biệt, tại khoản 5, Điều 14 của Nghị định số 123, giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất.
Quy định này giao quyền cho các địa phương xác định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của hành vi hủy hoại đất để đảm bảo sự phù hợp với thực tế từng địa phương, qua đó đảm bảo tính khả thi và phù hợp với từng địa phương cụ thể.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 33 Nghị định số 123 thì các trường hợp có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và các trường hợp đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm sẽ được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua đó giúp người dân, các tổ chức quan tâm nắm thông tin một cách rõ ràng, từ đó giảm thiểu tình trạng tiêu cực trong quản lý đất đai.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 4/10/2024 với nhiều điểm mới, Nghị định số 123 của Chính phủ có tác động không nhỏ đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai.
Để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trên địa bàn, các cấp, ngành cần tăng cường, tăng tốc trong xử lý các trường hợp tồn tại, vi phạm đất đai. Tích cực, chủ động trong việc tham mưu ban hành văn bản liên quan về cơ chế, chính sách, đồng thời hướng dẫn, tham gia ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hồng Tính