Trong thời đại ngày nay, vay, nợ được coi như một phần tất yếu của cuộc sống. Thiếu hoạt động này, từ các cơ sở kinh doanh cho đến đời sống hằng ngày của người dân đều có nguy cơ bị đảo lộn. Bởi dù giàu có đến mấy cũng không ai có đủ mọi thứ trong tay vào bất cứ lúc nào cần. Trong tình huống ấy, vay, mượn, nợ xuất hiện sẽ giải quyết được vấn đề.
Nợ - được hiểu là một khoản vay phải trả thường có hình thức là tiền, vàng hoặc những tài sản có giá trị. Tuy nhiên, đôi khi khoản nợ ấy chỉ là những thứ nho nhỏ như cân gạo, quả trứng giúp nhau khi nhỡ bữa nhưng làm đầy thêm tình cảm láng giềng.
Ở tầm vĩ mô, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ cũng đang phải ôm một khối nợ công khổng lồ lên đến gần 40.000 tỷ USD. Các nước nghèo hoặc nước đang phát triển, số nợ công vài trăm tỷ hoặc hàng nghìn tỷ USD là điều hoàn toàn bình thường.
Đọc con số này, hẳn không ít người sẽ thắc mắc vì sao nợ, nợ nhiều như thế nền kinh tế có bị ảnh hưởng gì không, bao giờ trả hết…?
Bản chất của nợ công (còn gọi là nợ chính phủ, nợ quốc gia) là quan hệ vay mượn nhằm mục tiêu đáp ứng các nhu cầu vốn cho các nhu cầu chi tiêu công - đây chính là các quan hệ tài chính trong nền kinh tế và vì vậy, nó tác động trực tiếp tới sự ổn định của xã hội.
Nhìn vào động cơ hay mục đích của việc vay nợ, có thể cơ bản biết đây là hành động tốt hay xấu.
Nợ công là vấn đề mang tính chất thường trực đối với các quốc gia, nợ công nếu được kiểm soát tốt sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế - xã hội, nhưng ngược lại, nếu như các chính phủ không kiểm soát tốt nợ công thì khủng hoảng nợ công sẽ dễ xảy ra và hệ quả mà nó gây ra sẽ rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế - xã hội, làm mất ổn định thị trường tài chính của cả một quốc gia.
Không những thế, khủng hoảng nợ công có tính lây lan cao, có thể làm mất ổn định thị trường tài chính toàn cầu. Xuất phát từ đó, việc kiểm soát nợ công luôn được đặt ra cho tất cả các quốc gia trong mọi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
Trong cuộc sống hằng ngày, tình trạng vay, mượn, nợ có thể xảy ra ở khắp nơi, trong bất cứ lĩnh vực nào, từ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới cho đến mỗi gia đình, cá nhân. Nhưng như đã nói, nợ chỉ tốt khi người vay nợ kiểm soát được vấn đề. Nếu không, hậu quả xảy ra rất khó lường, có thể tác động xấu đến mọi thứ, từ sức khỏe, tính mạng đến tài sản và các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Có một thực trạng khá phổ biến là đôi khi vay nợ đối với người này là tốt, thậm chí rất tốt nhưng với người khác lại chỉ có hại.
Ví như một doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm làm ra luôn được thị trường đón nhận nhanh chóng nhưng tiềm lực kinh tế nhất thời không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh thì việc được vay nợ kịp thời sẽ là cú hích quan trọng tạo nên bước đột phá mới cho bản thân. Trường hợp này, bên cho vay có thể được coi như ân nhân của bên đi vay.
Với trường hợp vay nợ để tiêu pha những thứ vô bổ, không cần thiết hoặc nguy hiểm hơn là vay tín dụng đen, chơi cờ bạc, buôn bán hàng cấm… thì không những dễ dẫn đến nguy cơ tiền mất mà còn mang thêm cả bệnh tật, thậm chí tù tội… Thế mới có chuyện cho bạn vay tiền thành ra mất tiền, mất luôn cả bạn!
Khách quan mà nói thì khó có thể khẳng định vay nợ là chuyện tốt hay xấu bởi như đã nói, xấu tốt tùy từng trường hợp. Tuy nhiên có thể khẳng định là chỉ cần nhìn vào động cơ và mục đích vay nợ là có thể biết chuyện đó tốt hay xấu, nên hay không.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng chỉ nên vay nợ nếu điều đó hướng chúng ta đến tương lai an toàn hơn, tốt đẹp hơn, phát triển bền vững hơn. Tuyệt đối tránh tình trạng vay cho vui, vay không tính đến chuyện trả nợ hay vay để làm những việc không biết sẽ dẫn đến kết cục gì.
Ngạn ngữ có câu: “Đời có vay có trả”. Không muốn trả thì đừng đi vay. Đã vay thì phải tìm mọi cách để trả. Nếu không muốn trả, đôi khi cái giá buộc phải trả sẽ không gì đo đếm được.
Long Dương