Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên đã lắp đặt được 12 "Điểm chữa cháy công cộng" tại các tổ dân phố. Mô hình đã góp phần phát huy vai trò của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở cơ sở; nâng cao ý thức, kỹ năng, chủ động phòng, chống cháy nổ và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy nổ.
Phường Trưng Nhị là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố Phúc Yên. Trên địa bàn phường tập trung nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học và chợ trung tâm nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Toàn phường hiện có hơn 1.650 hộ dân, các công trình nhà ở đa phần đều kết hợp sản xuất kinh doanh, buôn bán và nhà trọ…
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, Công an phường Trưng Nhị đã tham mưu UBND phường phối hợp với các tổ dân phố lắp đặt các “Điểm chữa cháy công cộng”; thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại khu dân cư; hướng dẫn lực lượng PCCC cơ sở sử dụng hệ thống chữa cháy tại “Điểm chữa cháy công cộng”, sử dụng App 114 báo cháy kịp thời, cách sử dụng phương tiện tại chỗ để chữa cháy, xử lý các tình huống khi có cháy nổ xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Phú, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Trưng Nhị cho biết: Năm 2023, Tổ dân phố số 4 đã vận động người dân đóng góp kinh phí lắp đặt 3 “Điểm chữa cháy công cộng ” ở 2 tổ liên gia, năm nay tiếp tục lắp đặt thêm 2 điểm nâng tổng số lên 5 điểm.
Anh Nguyễn Văn Tuyến, tổ dân phố số 4, phường Trưng Nhị hỗ trợ kinh phí lắp đặt 2 “Điểm chữa cháy công cộng”.
Vị trí lắp đặt “Điểm chữa cháy công cộng” ở các ngõ nhỏ, xe cứu hỏa không vào được. Tại mỗi điểm có bảng nội quy, tiêu lệnh và một hộp sắt gồm 2 bình chữa cháy. Tổ dân phố đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, nhóm Zalo các tổ liên gia để người dân biết vị trí “Điểm chữa cháy công cộng ” phục vụ hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy ở cơ sở.
Hai “Điểm chữa cháy công cộng” mới lắp đặt tại Tổ dân phố số 4 được gia đình Anh Nguyễn Văn Tuyến hỗ trợ kinh phí với tổng trị giá gần 5 triệu đồng. Vị trí lắp đặt nằm trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, gần ngã ba đường để thuận tiện cho người dân ở các tổ liên gia sử dụng trong trường hợp xảy ra cháy.
Anh Nguyễn Văn Tuyến cho biết: “Tôi làm việc trong lĩnh vực kiểm lâm nên rất quan tâm đến công tác phòng cháy. Thực tế cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn cháy ở các khu dân cư là rất cao, vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư hệ thống, thiết bị chữa cháy ở cơ sở. Người dân tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt các “Điểm chữa cháy công cộng” phục vụ công tác chữa cháy tại chỗ hiệu quả, giảm thiểu các thiệt hại do cháy nổ gây ra”.
Gia đình anh Đỗ Tuấn Anh, Tổ dân phố số 4 cũng đầu tư cho gia đình mình và hỗ trợ kinh phí lắp đặt cho các hộ dân lân cận 5 bộ chuông báo cháy. Các thiết bị báo cháy được anh Tuấn Anh hỗ trợ kinh phí lắp đặt liên thông ở nhiều gia đình, sử dụng điều khiển từ xa.
Thiết bị báo cháy được lắp đặt tại gia đình anh Đỗ Tuấn Anh, Tổ dân phố số 4, phường Trưng Nhị.
Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” ở phường Trưng Nhị đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong phong trào toàn dân PCCC; nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị PCCC; sự phối hợp của lực lượng PCCC cơ sở với lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại khu dân cư.
Đến nay, 100% tổ dân phố ở phường Trưng Nhị đều có hệ thống chữa cháy bằng nước (bể, bồn chứa nước) và 12 “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư. Nơi lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng là khu vực ngõ, hẻm nhỏ tập trung đông dân cư, có chiều dài tối thiểu từ 50m trở lên và xe chữa cháy không tiếp cận được.
Chuông báo cháy được lắp đặt liên thông tại nhiều hộ gia đình.
Để đảm bảo người dân tại các khu vực có điểm chữa cháy công cộng biết và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy, UBND phường và lực lượng Công an phường Trưng Nhị đã tổ chức các lớp huấn luyện, hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy để dập lửa, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm, vòi phun nước để chữa cháy ngay sau khi phát hiện sự việc, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Công an phường Trưng Nhị đã thực hiện kiểm tra công tác PCCC&CNCH 60 lượt; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức PCCC&CNCH và vận động được 300 hộ dân tự trang bị bình chữa cháy xách tay tại gia đình.
Việc xây dựng và đưa mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” vào hoạt động bước đầu phát huy được tính chủ động, tương trợ nhau giữa các hộ gia đình trong khu dân cư. Đặc biệt, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và tận dụng “thời gian vàng” để dập tắt đám cháy, cứu người và tài sản.
Bài, ảnh: Hà Trần