Bộ Công an mới công bố bản dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe mới. Trong đó có điểm đáng chú ý về việc tăng mức phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng. Tiếp nhận thông tin về đề xuất này, đa số người dân đều bày tỏ ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mức phạt sẽ góp phần tạo thói quen cho người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật khi tham gia giao thông.
Nâng chế tài, tăng phạt lỗi vượt đèn tín hiệu
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa được Bộ Công an công bố, từ 1/1/2025, người điều khiển ô tô; xe chở người, chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe như ô tô sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Đồng thời, với lỗi vi phạm này, người vi phạm sẽ bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.
Bảng thống kê phạt nguội cho thấy, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông là lỗi khá phổ biến đang diễn ra tại các địa phương trong tỉnh.
Hiện tại, mức phạt này chỉ từ 4 - 6 triệu đồng và bị tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng theo Điều 5 Nghị định số 100/2019 của Chính phủ.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, từ 1/1/2025, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự sẽ bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Hiện tại, mức phạt dành cho xe máy không tuân thủ đèn tín hiệu là từ 800.000 đến 1 triệu đồng, kèm tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng.
Đặc biệt trong dự thảo lần này, luật sẽ điều chỉnh quy định về việc chấp hành tín hiệu đèn giao thông khi tham gia giao thông. Tín hiệu đèn giao thông bao gồm ba màu: xanh, vàng và đỏ; có thể hiển thị thời gian hoặc không. Người tham gia giao thông đường bộ phải tuân thủ như sau: Đèn tín hiệu màu xanh được đi; đèn vàng dừng trước vạch dừng (hoặc tiếp tục nếu đã qua vạch); đèn đỏ cấm đi.
Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
Khi đèn tín hiệu chuyển xanh, trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Tiếp nhận thông tin về đề xuất tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm an toàn giao thông, đa số người dân khi được hỏi đều bày tỏ ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới với mức phạt cao như vậy hoàn toàn đủ sức răn đe.
Bên cạnh đề xuất nâng mức xử phạt, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát và tiến hành phạt nguội, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người điều khiển phương tiện, chấp hành nghiêm quy tắc luật giao thông ngay cả khi không có lực lượng chức năng.
Đủ mạnh để răn đe
Từ ngày 21/10 đến 1/11/2024, qua hệ thống camera giám sát giao thông, lực lượng chức năng đã phát hiện và phạt nguội đối với 576 trường hợp điều khiển ô tô vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Bảng danh sách thống kê trong thời gian 10 ngày nói trên cho thấy đa số các trường hợp vi phạm quy định không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (hơn 470 trường hợp).
Bên cạnh đề xuất nâng mức xử phạt, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Khá bức xúc khi tham gia giao thông thường xuyên gặp những trường hợp vượt đèn đỏ tại các giao lộ (kể cả các giao lộ đã có lắp thiết bị giám sát giao thông), anh Nguyễn Tiến Mạnh, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Các hành vi dễ thấy nhất đó là người điều khiển phương tiện giao thông di chuyển trước vài giây khi đèn tín hiệu vẫn đỏ.
Tình huống này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ dẫn đến va chạm hay tai nạn giao thông, bởi khi đó phía bên kia giao lộ, nhiều người vẫn cố tình tăng tốc khi có tín hiệu đèn vàng, thay vì phải giảm tốc độ và dừng đèn đỏ.
Nguy cơ càng gia tăng tại các giao lộ đông xe cộ lưu thông, nhất là trong các giờ cao điểm. Thực tế đã có nhiều trường hợp va chạm cũng như tai nạn giao thông xảy ra khi người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông.
“Nhiều lúc khi dừng, đèn tín hiệu đỏ vẫn còn hiệu lực 6, 7 giây, thế nhưng phía sau đã có người cố tình bóp còi, rồi chen lên phóng đi. Những trường hợp như thế này, tôi chỉ có thể né qua cho họ đi. Thực sự ngao ngán cách lưu thông này của một số người, gấp gáp gì có vài giây, lỡ như bên kia cũng có người cố vượt nữa thì khó tránh khỏi va chạm mạnh” - anh Mạnh chia sẻ.
Đồng tình với dự thảo tăng mức phạt xử lý vi phạm đối với hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, chị Nguyễn Thu Phương, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho rằng: "Đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông thì bản thân người vi phạm cũng gặp nguy hiểm và sẽ gây nguy hiểm cho cả những người cùng tham gia giao thông. Bởi vậy, cá nhân tôi cho rằng việc xử lý những lỗi này không nên chỉ dừng lại ở việc tăng mức phạt tiền mà còn phải tập trung vào giáo dục, tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông; làm kiên trì, lâu dài, giống như xử lý lỗi nồng độ cồn".
Chung quan điểm cần phải xử lý thật nặng để tạo thói quen nghiêm chỉnh chấp hành luật khi tham gia giao thông, anh Nguyễn Văn Hùng, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương cho rằng: Vượt đèn đỏ là lỗi rất nặng, mức phạt nên tính ngang bằng với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức độ cao.
Cá nhân tôi cho rằng mức phạt rất nặng cũng là cách giáo dục để mọi người nâng cao ý thức hơn khi tham gia giao thông, bởi lẽ câu chuyện di chuyển nhanh vài giây chưa chắc đã giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống, thế nhưng việc đánh đổi vài giây như thế này có thể trả giá bằng sự an toàn và tính mạng của chính mình, cũng như những người xung quanh.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ